Thầy giáo - nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn: Từ nỗi nhớ phố biển đến âm vang núi rừng
Gắn bó với việc giảng dạy âm nhạc tại Trường THCS Vĩnh Hiệp (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) hơn 15 năm qua, cũng từng ấy thời gian, thầy giáo Trần Ngọc Sơn là hạt nhân phong trào văn nghệ nơi đây. Đặc biệt, nhiều ca khúc đầy cảm xúc, từ phố biển đến rừng núi đại ngàn, của anh đã được nhiều người đón nhận.
Từ nhỏ, Trần Ngọc Sơn (SN 1974, quê ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) đã theo gia đình chuyển lên sống ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Sau khi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc chuyên ngành Guitare của Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh (sau này anh học tiếp lên đại học ngành Sư phạm âm nhạc của Học viện Âm nhạc Huế), Trần Ngọc Sơn gắn bó với công việc giảng dạy âm nhạc tại Trường THCS Vĩnh Hiệp đến nay.
Thầy giáo, nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn là người say mê với các làn điệu âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh.
Ấn tượng từ tác phẩm đầu tay
Trong các sáng tác của Trần Ngọc Sơn, ca khúc “Quy Nhơn và nỗi nhớ” được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm viết về Quy Nhơn thành công. Theo nhạc sĩ Hữu Thuần, “Quy Nhơn và nỗi nhớ” khắc họa được vẻ đáng yêu của thành phố biển, giai điệu mượt mà, tạo cảm xúc cho người nghe, nhất là những người đã đi xa phố biển.
Sau khi được thu âm qua giọng hát của ca sĩ Châu Quốc Cường vào năm 2007, qua nhiều kênh phổ biến khác nhau, “Quy Nhơn và nỗi nhớ” dần được nhiều người yêu thích. Tại Liên hoan Giọng hát hay TP Quy Nhơn mở rộng, đây là ca khúc được nhiều thí sinh chọn thể hiện.
Anh Hoàng Ngọc Lạng, thí sinh đến từ tỉnh Khánh Hòa, đoạt giải Nhất (độ tuổi từ 46 trở lên) tại Liên hoan Giọng hát hay TP Quy Nhơn mở rộng lần thứ IV - năm 2015, bày tỏ: “Ca khúc “Quy Nhơn và nỗi nhớ” ngọt ngào nhưng vẫn mạnh mẽ như hào khí Tây Sơn... Ca từ gần gũi, giai điệu đẹp, âm vực rộng. Ca khúc đã đem đến tôi nhiều cảm xúc khi thể hiện”.
Nhiều người đã bất ngờ khi được biết, “Quy Nhơn và nỗi nhớ” là sáng tác đầu tay của Trần Ngọc Sơn, từ cách đây hơn 11 năm, khi anh hãy còn đang học ngành Âm nhạc. “Thời sinh viên ở Quy Nhơn thật sôi nổi và nhiều kỉ niệm. Mỗi dịp về quê nghỉ hè, tôi thường nhớ Quy Nhơn đến da diết... “Quy Nhơn ơi! Biết bao lần tôi nhớ. Nhớ mong về nơi đất biển thân thương. Nhớ trùng dương khi sóng gào biển gọi. Anh lính biên phòng gác đảo quê hương... Những đêm trăng thơ Hàn Mặc Tử. Vẫn mãi vọng về nối nhịp thời gian... Ngắm tháp Đôi những hoa văn huyền bí. Ngắm cầu Thị Nại lộng lẫy kiêu sa. Nhớ sao cho vơi nỗi lòng mong đợi. Mong ước từng ngày phố biển đổi thay...” - anh Sơn tâm sự.
Cảm xúc từ núi rừng Vĩnh Thạnh
Hưởng ứng Cuộc thi Sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định, tổ chức năm 2015, Trần Ngọc Sơn đã sáng tác ca khúc “Âm vang nhịp điệu núi rừng” mang âm hưởng nhạc dân gian Tây Nguyên nói chung, dân ca Bana ở huyện Vĩnh Thạnh nói riêng.
Ca khúc này chuyển tải được truyền thống hào hùng, bản sắc văn hóa, cùng bức tranh tươi đẹp của rừng núi đại ngàn: “Gà rừng cất tiếng gáy, cho buôn làng thức dậy. Mặt trời lên, mang hơi ấm mùa xuân. Thì thầm với làn gió, muôn hoa rừng đua nở. Mừng ngày hội chiến thắng, khắp nơi gọi nhau về...Tơ Lok Tơ Lek, anh dũng đứng lên. Cung ná tiên phong, hướng quân thù phía trước. Tơ Lok Tơ Lek, ngọn lửa những chiến công...”.
Thầy giáo Trần Ngọc Sơn có phương pháp truyền dạy hiệu quả, nhằm khơi gợi và bồi đắp năng khiếu âm nhạc cho học sinh miền núi, nên đã nhận được nhiều giấy khen của Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Các ca khúc mới sáng tác cho thiếu nhi, học sinh của Trần Ngọc Sơn cũng đã đạt nhiều giải thưởng tại các Hội thi Tiếng hát “Hoa phượng đỏ” huyện Vĩnh Thạnh và của tỉnh.
Ca khúc “Âm vang nhịp điệu núi rừng” cùng với ca khúc “Thương về đảo nhỏ” viết về những người lính ở xã đảo Nhơn Châu của Trần Ngọc Sơn cùng được trao giải Nhì của Cuộc thi.
Cũng khai thác đề tài về miền núi như nhiều nhạc sĩ khác, nhưng Trần Ngọc Sơn có góc nhìn liên tưởng thú vị về hình ảnh người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số địu con lên rẫy. Lưng mẹ khi ấy như “chiếc võng tình cảm” ấm êm để con được: “Đong đưa nhịp võng đưa, theo bước chân mẹ lên núi... Thương nhịp trống liên hồi ngực mẹ, như chiêng cồng vọng mãi đâu đây. Nghiêng nghiêng nhịp võng nghiêng, nghiêng bờ vai mẹ gieo hạt giống. Cho cây trái thêm trĩu cành, cho cây lúa thêm hương nồng. Đôi chân trần nhịp nhàng sớm trưa...”. Qua nhiều giọng hát thiếu nhi tại các hội thi văn nghệ quần chúng ở huyện Vĩnh Thạnh, ca khúc “Theo nhịp võng đưa” được nhiều người yêu thích và rồi lan tỏa sang các huyện bạn, nhất là những huyện miền núi.
Cách đây 2 năm, Trần Ngọc Sơn đã được kết nạp vào Chi hội Âm nhạc Bình Định (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh). Đây là ghi nhận cho những nỗ lực của anh.
Nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn tâm sự: ““Âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc Bana ở huyện Vĩnh Thạnh phong phú và đặc sắc. Có dịp đi đến nhiều làng, tôi đã gặp các nghệ nhân để thu âm lại được mấy chục bài dân ca. Tôi sẽ kí âm lại một số bài, cũng như khai thác các làn điệu dân ca để tiếp tục đưa vào ca khúc của mình”.
HOÀI THU