Bất ổn giao thông đường thủy nội địa
Bài 2: Báo động “lỗ hổng” quản lý, kiểm định tàu du lịch
Hoạt động du lịch đường thủy ở tỉnh ta phát triển nhanh thời gian gần đây kéo theo sự ra đời ồ ạt của các tàu thuyền, canô du lịch “chui”. Nếu không cụ thể hóa trách nhiệm, siết chặt quản lý, sẽ khó tránh được những vụ tai nạn giao thông đường thủy.
Gần đây, du lịch sinh thái biển đảo của Bình Định bứt phá mạnh mẽ với nhiều loại hình dịch vụ như tham quan, tắm biển, lặn ngắm san hô… Có nhiều tuyến chở khách du lịch trên biển như: bến Hàm Tử (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) ra các hòn đảo nhỏ trên vùng biển Quy Nhơn; tuyến Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) đi Bãi Dứa, Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Sẹo, Hòn Cân, Hò Cỏ; tuyến Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đi Hòn Khô.
Xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, chưa có bến đón - trả khách du lịch được ngành chức năng cấp phép. Để có chỗ hoạt động, những chiếc phao di động làm bằng thùng phuy nhựa, gỗ tạm bợ được dựng lên.
“Tàu dù” lộng hành
Hiện nay, có khoảng 55 tàu, thuyền, canô tham gia hoạt động du lịch, tập trung ở 2 xã Nhơn Hải và Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) nhưng chỉ có 2 phương tiện của xã Nhơn Hải và 4 phương tiện của xã Nhơn Lý được đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Các phương tiện còn lại không đủ điều kiện về đăng ký, đăng kiểm; không đảm bảo an toàn để kinh doanh dịch vụ đưa đón khách du lịch. Hầu hết, người điều khiển phương tiện đường thủy chở khách du lịch không có chứng chỉ hoặc có nhưng không phù hợp với loại phương tiện điều khiển.
Qua ghi nhận của phóng viên, tàu du lịch lẫn tàu dân sinh đưa đón khách ra vào các điểm du lịch diễn ra tấp nập song du khách trên tàu thường không mặc áo phao; tàu không có dụng cụ cứu sinh, hoặc có trang bị nhưng cũng chỉ để cho có.
Lúc 11 giờ ngày 21.6, camera của phóng viên ghi lại cảnh một chiếc tàu dân sinh chở gần 10 người xuất bến tại thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải) ra Hòn Khô nhưng không hành khách nào mặc áo phao. Sau đó chừng 30 phút, canô du lịch Đông Nam chở hơn 10 du khách từ Hòn Khô về bờ song có phân nửa số người trên canô không mặc áo phao.
Chứng kiến cảnh tượng trên, một cán bộ làm việc ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Nhơn Hải, nói trong lo âu: “Du khách coi nhẹ tính mạng của mình quá! Còn chiếc canô này thì chưa có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quả, Chánh thanh tra Sở GTVT, cho hay: “Ngoài chuyện ý thức của hành khách chưa cao, không thích mặc áo phao, đáng lưu ý là nhiều chủ phương tiện không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện và đăng ký kinh doanh nên không mua được bảo hiểm cho hành khách đi đò; mặt khác, họ thờ ơ với việc bảo đảm an toàn khi chở khách du lịch”.
Phương tiện vận tải khách du lịch đã vậy, bến bãi cũng xập xệ. Tất cả các bến đón, trả khách dọc 2 thôn Hải Đông, Hải Nam thuộc xã Nhơn Hải hay bến Bấc, bến Đông thuộc xã Nhơn Lý chưa được ngành chức năng cấp phép vì không hội đủ các điều kiện an toàn.
“Khoảng trống” trong quản lý
“Địa phương hết sức bối rối với loại hình tàu thuyền vận chuyển khách du lịch. Người dân đã bỏ ra một khoản không nhỏ để mua sắm phương tiện làm dịch vụ du lịch nên cấm cũng không nỡ. Còn nếu để hoạt động, khi có sự cố xảy ra thì rất “đau đầu”. Hiện xã đang nỗ lực tuyên truyền các chủ phương tiện chấp hành các quy định an toàn đường thủy” - ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, bày tỏ.
Những tàu cá biến thành tàu du lịch để chở khách đã trở nên quen thuộc tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn.
Còn bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT&DL, nhìn nhận: “Tình trạng phương tiện không đủ điều kiện an toàn vẫn tổ chức tour tham quan, du lịch; tình trạng mở bến thủy nội địa trái phép, đón - trả khách không đúng nơi quy định; sử dụng phương tiện hoán cải không đủ điều kiện để đón khách diễn ra khá phổ biến. Đây là những vấn đề cần được các ngành phối hợp giải quyết triệt để trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: Tỉnh Bình Định hiện có khoảng 100 tàu thuyền và canô các loại hoạt động kinh doanh du lịch, vận chuyển hành khách, hàng hóa; song đến nay, chỉ có 35 phương tiện đã đăng ký, kiểm định theo quy định. Hầu hết phương tiện vận tải khách du lịch đang hoạt động chủ yếu được người dân mua lại rồi cải hoán nên khi làm thủ tục đăng kiểm chủ phương tiện không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Cần kịp thời chấn chỉnh
Đại tá Đỗ Đình Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh: Việc quản lý lỏng lẻo, xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương là nguyên nhân khiến số lượng tàu du lịch “chui” thời gian qua gia tăng. Nếu địa phương phát hiện phương tiện nào chưa được đăng kiểm thì đình chỉ ngay hoặc thông báo cho lực lượng liên ngành phối hợp xử lý sẽ hạn chế đáng kể tình trạng hoạt động chui; cần thiết sẽ thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa để quản lý phương tiện chặt chẽ, tập trung hơn.
Đại tá Phan Công Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh, kiến nghị: UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước định hướng phát triển du lịch biển đảo; kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh một cách bài bản thay thế loại hình phục vụ du lịch tự phát, nhỏ lẻ như hiện nay. Chi cục Đăng kiểm 4 cần có văn bản trình Cục Đăng kiểm Việt Nam để sớm có giải pháp tổ chức đăng kiểm cho số phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện đò chở khách tuyến Hải Cảng - Nhơn Châu, phương tiện đò ngang hoạt động tuyến Hải Minh - Hàm Tử và các phương tiện chở khách du lịch thuộc 2 xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Sở GTVT sớm có giải pháp trong công tác kiểm tra, cấp phép mở bến thủy nội địa; công tác đăng ký phương tiện thủy nội địa; Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông liên kết với Trường Hàn Giang 2 mở lớp đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, đề nghị tỉnh duyệt chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện và học lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa…
Liên quan về vấn đề này, tại cuộc họp mới đây về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh và giữ gìn vệ sinh môi trường ở TP Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu Sở GTVT, Sở VH-TT&DL, Công an tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý theo chức năng của từng cơ quan, đơn vị. Cụ thể, các lực lượng phối hợp rà soát lại tất cả các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động để tiến hành hướng dẫn, vận động người dân đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo đúng quy định. Trường hợp các phương tiện không đủ điều kiện đăng kiểm và các tàu cá hoán cải thành phương tiện chở khách du lịch, phải kiên quyết loại bỏ.
TRỌNG LỢI