Kế hoạch loại trừ bệnh phong khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2016-2050:
Phòng chống tàn tật cho bệnh nhân phong là nhiệm vụ quan trọng
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh
Sau hơn 20 năm thực hiện dự án Phòng chống phong, đến cuối năm 2015, tất cả 11/11 tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện, cải thiện đời sống người bệnh phong nghèo và đặc biệt quan trọng là phòng chống tàn tật cho những người mắc bệnh.
Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế), tình hình dịch tễ bệnh phong ở nhiều nơi trong khu vực vẫn chứa đựng yếu tố nguy cơ, bệnh nhân phong mới tập trung ở vùng sâu vùng xa; tỉ lệ bệnh nhân là trẻ em còn cao, số lượng tàn tật do phong nhiều; đời sống người bệnh rất khó khăn, thành kiến của cộng đồng còn nặng nề... Đó là những động lực chính để Bệnh viện xây dựng kế hoạch loại trừ bệnh phong khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2050.
● Thưa ông, tất cả các tỉnh trong khu vực đều đã đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh. Như vậy, thời gian tới, mục tiêu của kế hoạch là loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện?
- Đúng vậy. Tuy nhiên, với các tiêu chí ngặt nghèo, việc loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện sẽ rất khó khăn. Cụ thể, trong 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra, có tỉ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân; 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng; 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị; 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.
● Để đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bệnh phong trong cộng đồng, sẽ có những biện pháp kỹ thuật nào được triển khai, thưa ông?
- 6 biện pháp kỹ thuật chính được triển khai đồng thời là phân vùng dịch tễ, khống chế nguồn lây, phòng chống tàn tật, truyền thông, đào tạo và tập huấn, kiểm tra - giám sát, hợp tác quốc tế và khoa học.
Sản xuất, cung cấp giày dép cho bệnh nhân phong là một trong những hoạt động phòng chống tàn tật do phong.
- Trong ảnh: Xưởng đóng giày của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Trong đó, khâu quan trọng nhất trước thực tế bệnh nhân phát hiện mới ngày càng ít chính là biện pháp phòng chống tàn tật cho người đã mắc bệnh. Cụ thể, phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời cơn phản ứng phong; hướng dẫn bệnh nhân phòng ngừa tàn tật tại cộng đồng; đẩy mạnh chương trình cung cấp dụng cụ hỗ trợ, chân giả và giày dép phòng ngừa bệnh tật. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả hoạt động phẫu thuật điều trị lỗ đáo, lỗ đáo viêm xương; phẫu thuật chỉnh hình cho bệnh nhân có ngón tay bị cò, chân lết, liệt cơ…
Từ đầu năm 2016 đến nay, các hoạt động trọng tâm trên tiếp tục được quan tâm triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Xưởng giày của Bệnh viện đã cung cấp 709 đôi giày chỉnh hình mới, sửa chữa 100 đôi; cung cấp 52 chân giả mới, sửa chữa 74 chân giả hư hỏng. Đồng thời, sản xuất và cung cấp 36 dụng cụ hỗ trợ bàn tay cho người bệnh phong nặng.
Trong giai đoạn 2001-2015, toàn tỉnh Bình Định phát hiện 302 bệnh nhân phong mới, cao thứ 2 ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên (chỉ sau Gia Lai với 677 bệnh nhân). Tuy nhiên, số bệnh nhân phát hiện mới đã giảm rất nhanh, đến năm 2014 chỉ có 6 bệnh nhân và năm 2015 chỉ có 2 bệnh nhân. Năm 2014, Bình Định là tỉnh thứ 53 trên cả nước chính thức được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh.
● Có một thực tế cần thừa nhận là sự chung tay của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn “về đích” của công cuộc loại trừ bệnh phong. Theo ông, thời gian tới, sự tham gia của cộng đồng nên tập trung vào những hoạt động cụ thể nào?
- Đầu tiên là phải xóa bỏ thành kiến, kỳ thị đối với người bệnh phong. Tiếp đó là hỗ trợ về kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Thời gian qua, ở khu làng phong Quy Hòa, người bệnh và gia đình của họ đã được trợ giúp phần nào bằng những khoản tín dụng nhỏ để mua bán, mua sắm dụng cụ lao động... Hình thức hỗ trợ này cũng rất cần thiết ở các khu dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, với việc hỗ trợ nhà ở cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần nguồn kinh phí lớn, nhất thiết phải có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của các nhà hảo tâm.
Về phần mình, để giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng, chúng tôi sẽ chú trọng hơn nữa đến hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình, góp phần trả lại hình hài gần gũi như người bình thường và phục hồi chức năng lao động cho người bệnh.
● Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
Các chỉ tiêu chính của kế hoạch loại trừ bệnh phong khu vực miền Trung - Tây Nguyên (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum) giai đoạn 2016-2050: tỉ lệ lưu hành năm 2016 là 0,03/10.000 dân, năm 2035 là 0,005/10.000 dân; tỉ lệ phát hiện năm 2016 là 0,34/100.000 dân, năm 2035 là 0,06/100.000 dân; tỉ lệ tàn tật độ 2 ở bệnh nhân phong mới năm 2016 là 11%, năm 2035 là 6%. Đến năm 2045, tất cả các chỉ số trên đều ở mức 0.