Cơ hội và thách thức!
Hội thảo “Gia nhập TPP - Cơ hội và thách thức cho đầu tư phát triển” do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh phối hợp với Đại học Quy Nhơn tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, đã chuyển tải rất rõ một thông điệp: Cơ hội và thách thức luôn song hành trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Như chúng ta đều đã biết, hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu cho sự phát triển của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. Việc nước ta gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác trên thế giới không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường, mà còn là các bước đi khẳng định cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Đến nay, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã hơn 9 năm, và cũng vừa ký kết nhiều hiệp định FTA thế hệ mới, với nhiều đối tác như: Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA),... Theo đó, mở ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, TPP có mức tự do hóa rất mạnh đối với tất cả loại hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng nông sản của các nền kinh tế thành viên sẽ có thuế suất bằng 0%. Việc giảm thuế suất nhập khẩu vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, đồng thời cũng tạo ra môi trường cạnh tranh khắc nghiệt giữa hàng hóa sản xuất trong nước của Việt Nam và hàng nhập khẩu từ 11 nước thành viên còn lại, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ.
Để chủ động nắm bắt cơ hội và đối phó với những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, nhận diện rõ thuận lợi và khó khăn trong tiến trình hội nhập, đề ra chương trình hành động cụ thể về hội nhập quốc tế của địa phương…
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế địa phương, đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu, coi hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là tiêu chí quyết định. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành: du lịch, khai thác và chế biến thủy sản, các ngành công nghiệp có tiềm năng, dịch vụ cảng biển… nhằm tham gia vào chuỗi sản xuất và dịch vụ toàn cầu; lựa chọn công nghệ phù hợp với tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Xây dựng có lựa chọn các khu kinh tế, khu công nghiệp tại địa phương để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Phát triển mạnh kết cấu cơ sở hạ tầng; phát triển đồng bộ giữa các ngành kinh tế địa phương với các vùng kinh tế trọng điểm, gắn kết hài hòa lợi ích giữa phát triển đô thị với nông thôn...
Sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ quyết tâm chính trị, tâm thế của cộng đồng doanh nhân cho đến các nguồn lực vật chất cần thiết về hạ tầng, nhân lực…, là yếu tố quyết định sự thành công trong tiến trình hội nhập của Việt Nam nói chung, cũng như tỉnh Bình Định nói riêng. Càng chuẩn bị tích cực, chu đáo bao nhiêu thì sẽ càng giảm đi thách thức, tăng thêm cơ hội bấy nhiêu!
H.Đ