Góc phòng
1.
Hôm vào bệnh viện thăm cô, tôi không nghĩ cô lại héo úa đến vậy. Một gương mặt buồn đến nỗi mấy cô y tá cứ thăm chừng và dặn dò, có gì các cô sẽ gọi báo người nhà, cứ yên tâm tĩnh dưỡng. Giường cô sát góc tường, một không gian nhỏ hẹp so với căn nhà ở quê. Trong không gian ấy, cô nằm dưỡng bệnh, có những bữa cơm ngắn và những ngày dài ngồi, nằm, nghĩ. Mỗi lần có người vào thăm nuôi bệnh nhân cùng phòng, cô thế nào cũng tủi thân, đêm đến thì khóc.
Các anh chị không phải không vào thăm cô, nhưng việc đồng áng không thể rời tay vào những thời điểm quan trọng. Cứ thế, có lần tôi trách, sao chẳng có ai ở với cô thế này. Các anh chị tranh thủ chạy vào thăm cô buổi trưa rồi lại về, thay phiên nhau mỗi người một hôm. Cứ như vậy, người đau ốm dễ tủi. Nhưng nghe con nói, sắp vào, cô lại ngăn. Tôi hỏi, cô nói, sợ con vào rồi lại không vào nữa. Dẫu đêm có nằm nghĩ mông lung trong góc phòng. Nghe buồn, đôi khi nhiều việc đẩy đưa tình cờ không tránh khỏi.
Để dẫn ra chuyện cũng có những lúc một mình, tôi nói, nhiều lúc đau ốm, trong nhà chẳng có một ai, nhiều giây phút cứ dài ra, ghi dấu nặng nề vào nỗi đau thể xác, cả tâm hồn. Cô có vẻ nguôi ngoai. Nhưng đâu phải chỉ có những lúc ốm đau, cả khi con người lành lặn, những khi gia đình bất hòa, các thành viên không thể thấu hiểu lẫn nhau, chuyện nằm một góc phòng buồn tủi giữa xung quanh thân thuộc cũng xảy ra như cơm bữa, bữa ngon bữa dở, nhưng vẫn phải ăn.
2.
Chiều bước vào phòng, tôi có hơi bất ngờ khi mẹ đang gấp những ngôi sao bỏ vào lọ. Lọ sao ấy đặt ở một góc nhỏ xinh của phòng. Tôi không hỏi, hôm nay mẹ không làm gì à. Lọ sao ngày một đầy lên, long lanh, nhiều màu sắc. Có thể đó là những lúc một mình của mẹ. Không việc nhà, không cơm nước, dọn dẹp, chồng con. Cặm cụi cắt giấy và gấp, mỗi ngày một chút, khi nghỉ ngơi, trước lúc chuẩn bị làm một việc gì đó. Tôi xem lọ sao ở góc phòng như món quà tinh thần của mẹ, nhỏ bé, nhưng chất đầy, nó cũng bắt đầu ánh lên nhiều nỗi niềm.
3.
Sau lần nhìn mẹ, thăm cô, tôi nghĩ về một thế giới khác trong đời sống của mỗi gia đình. Dưới những êm ấm, cũng cần có những riêng tư, tách biệt, đôi lúc đến hụt hẫng, chênh vênh. Và nếu mỗi chênh vênh có điểm tựa bằng sự tự chăm sóc tinh thần, những góc riêng cho bản thân, hẳn mọi người sẽ vượt qua cảm xúc tiêu cực dễ dàng hơn. Bởi không khi nào tình cảm gia đình lại yên bình vô tận mà không trải qua những tổn thương riêng của mỗi thành viên. Từ yêu mình đến yêu người khác, cũng là một sự thấu hiểu. Đừng để những góc phòng mãi làm dùm việc đó cho mình.
THOA XUYẾN KIM