Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích phong trào nông dân Tây Sơn:
Cần đầu tư nhiều và tập trung hơn
Hệ thống các di tích liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn trên địa bàn tỉnh ta có vai trò, giá trị và ý nghĩa quan trọng. Những năm qua, nhiều di tích thuộc hệ thống này được trùng tu, tôn tạo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hôm nay. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nhiều hơn nữa, hệ thống di tích này đang cần được đầu tư tương xứng, tập trung hơn.
Di tích quốc gia thành Hoàng Đế cần tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Nhiều công trình được đầu tư
Tại huyện Tây Sơn, ngoài việc “đầu tư trọng điểm” cho Bảo tàng Quang Trung, với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh ta còn xây dựng Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đàn tế trời đất, Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn tam kiệt.
Cuối năm 2015, Dự án Mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) đã được khởi công. Dự án này gồm có nhiều hạng mục ở các khu, như mở rộng, cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày; khu đền thờ; cải tạo nhà diễn võ hiện trạng thành nhà chiếu phim 3D... do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 211,6 tỉ đồng sử dụng vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác. Hiện nay, các hạng mục cải tạo, nâng cấp nhà làm việc và nhà tiếp khách ở Bảo tàng Quang Trung đang trong giai đoạn hoàn thành.
Cách đây một tháng rưỡi, công trình Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn tam kiệt cũng đã được khởi công. Đền thờ được xây dựng tại khu đất có dấu tích nền nhà và vườn ngày xưa của gia đình ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng (bố mẹ của Tây Sơn tam kiệt - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), thuộc khu di tích quốc gia Gò Lăng. Công trình gồm các hạng mục điện thờ, cổng tam quan, nhà bia, bình phong, nhà quản lý và soạn lễ, sân đường đi, cây xanh... Công trình này được gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu ở huyện Hoài Ân tài trợ.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Cùng với sự quan tâm mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung, việc xây dựng Đền thờ song thân Tây Sơn tam kiệt sẽ góp phần tạo sự gắn kết giữa các điểm di tích phong trào Tây Sơn phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của người dân và du khách. Đền thờ đã được tích cực thi công và hiện đang hoàn thành phần khung sườn của công trình”.
Hồ bán nguyệt phát lộ sau khai quật ở thành Hoàng Đế.
Cần tiếp tục quan tâm thành Hoàng Đế
Chỉ trong gần 10 năm (2004-2013), đã có đến 6 cuộc khai quật khảo cổ học tại khu vực di tích quốc gia thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) để phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu, quản lý đã cho rằng báo cáo kết quả các cuộc khai quật thành Hoàng Đế vẫn chưa thực sự thuyết phục và đầy đủ chứng cứ khoa học, nên cần tổ chức một hội thảo có quy mô, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu có uy tín để đánh giá lại.
“Ðến nay, việc tổ chức hội thảo khoa học về thành Hoàng Ðế - lưu ý quan trọng của các nhà khoa học - vẫn chưa thấy đâu. Trong khi việc tu bổ, tôn tạo sau giai đoạn đầu chưa có chuyển động gì mới trong mấy năm gần đây”
Từ năm 2008, Sở VH-TT&DL đã có tờ trình xin chủ trương và được Bộ VH-TT&DL chấp thuận về việc lập dự án tu bổ, phục hồi di tích thành Hoàng Đế. Trải qua các bước thủ tục, đến cuối năm 2011 thì việc thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh mới được tiến hành, sau đó đã hoàn thành vào năm 2012. Cách đây hơn 4 năm, Sở VH-TT&DL cũng đã phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung lập quy hoạch mặt bằng khu vực di tích thành Hoàng Đế giai đoạn 2… Tuy nhiên, đến nay, việc tổ chức hội thảo khoa học về thành Hoàng Đế - lưu ý quan trọng của các nhà khoa học - vẫn chưa thấy đâu. Trong khi việc tu bổ, tôn tạo sau giai đoạn đầu thì chưa có chuyển động gì mới trong mấy năm gần đây.
Trở lại khu vực Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế vào một ngày đầu tháng 7.2016, vẫn thấy khung cảnh cũng không có gì thay đổi nhiều so với cách đây gần chục năm. Sự tu bổ, tôn tạo mới các tường thành bằng đá ong, hay lăng Võ Tánh vẫn chưa tạo được “sức sống mới” cho di tích quan trọng này. Có điểm khai quật trong di tích dễ gây cảm giác cho khách phương xa là bị bỏ bê hoang tàn, như một bên phía Tây lầu Bát Giác là căn nhà mái che khung sắt đã rỉ sét sau khi được dựng lên hàng chục năm qua để che bảo vệ cho hồ bán nguyệt sau khai quật, nhưng hồ bán nguyệt ở phía Đông sau khi khai quật thì để phơi ngoài mưa nắng cho cây cỏ mọc. Một điểm mới cũng bị dễ gây phản cảm khi lầu Bát Giác được tôn tạo “chiếc áo mới” bên ngoài, nhưng gian thờ bên trong vẫn cũ kỹ, tạm bợ, xuống cấp, Vì vậy, cần có thêm sự quan tâm đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di tích quan trọng của phong trào Tây Sơn.
HOÀI THU