Bồi dưỡng sáng tác VHNT trẻ thông qua tổ chức trại sáng tác: Cách làm hiệu quả
Ở lần tổ chức thứ 3 - hè 2016, Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật (VHNT) trẻ Bình Định tiếp tục thu được kết quả đáng mừng, đặc biệt ở mảng văn học.
Việc bồi dưỡng sáng tác trẻ là bước chuẩn bị để có được một đội ngũ sáng tác VHNT cho tỉnh nhà trong tương lai…
Một nơi cho sáng tạo
4 ngày dự trại sáng tác có thể nói là khoảng thời gian chẳng mấy thư thả để suy nghĩ, tìm cho ra cái tứ cho một bài thơ hay một thể loại văn xuôi nào đó, hay một bài hát, bức tranh và biến ý tưởng ấy thành tác phẩm, nếu trại sinh không thật sự để mọi tâm trí vào việc sáng tác.
Hai trại sinh Huỳnh Đức Thành (phải) và Đinh Xuân Hân đang tập với nhau ca khúc mà Thành vừa sáng tác - “Anh vẫn yêu em” - để biểu diễn trong buổi bế mạc chiều 11.7.
Trại sáng tác VHNT trẻ Bình Định lần 3 này, người dự trại hầu hết có độ tuổi trẻ và rất trẻ, là sinh viên đại học mới ra trường vài năm, hay đang là sinh viên, học sinh cấp 3, thậm chí cả học sinh cấp 2. Song ý thức, lòng tự trọng cùng trách nhiệm - phải có tác phẩm - khiến không khí làm việc của trại thật sự nghiêm túc, khẩn trương, hiệu quả. Bên cạnh đó, còn có sắc màu náo nhiệt, vui vẻ, ấm áp thường trực của một nơi hội tụ những 8X, 9X cùng đam mê sáng tạo vốn đã quen biết, là bạn bè của nhau hoặc đã nghe tên nhau.
Từ kinh nghiệm của một người đủ 3 lần dự trại, cây bút trẻ Mỹ Tiên tâm sự: “Đi trại sáng tác nghĩa là mọi thứ phải gác lại, trong đầu chỉ có nghĩ về những tác phẩm và nhất định phải có tác phẩm. Áp lực về thời gian, về việc phải có tác phẩm để nộp, đặt trong một môi trường mà mọi bạn viết xung quanh đều làm việc; rồi những bạn có tác phẩm tốt, nộp sớm, được người phụ trách (người có chuyên môn về lĩnh vực được Ban tổ chức phân công đôn đốc, động viên, đọc/xem và nhận xét về tác phẩm của trại sinh) khen ngợi, khích lệ, góp ý hoàn thiện tác phẩm… thật sự mang lại hứng thú sáng tác cho trại sinh chúng tôi. Đặc biệt, với những người mà thời gian sáng tác chưa lâu, sự dấn thân vào miền sáng tạo chưa mạnh mẽ, hay còn rụt rè khi giới thiệu tác phẩm của mình ra với mọi người, thì giữa không khí chuyên tâm sáng tác ở trại viết, tình bạn giữa trại sinh, những ấp ủ, trăn trở về một dự định sáng tác hay một tác phẩm đang trên đà hoàn thiện sẽ được đem ra chia sẻ và “gỡ” kịp thời… Từ đó, giúp người viết trẻ hòa đồng, tự tin hơn, kích thích tình yêu nghệ thuật”.
Các trại sinh mảng văn học kể tôi nghe về gương làm việc cật lực - trại sinh Bích Ngọc - đã “nhốt” mình với chiếc laptop trong nhiều giờ đồng hồ liền, cốt để chỉnh sửa, hoàn thiện truyện ngắn “Bình yên”. Ngày thứ 3 của trại sáng tác, nghĩa là khi mà thời gian của trại chỉ còn 1 ngày, tôi chứng kiến trại sinh Phan Lê Bảo Hân, hối hả quay về từ Trại sáng tác văn học thiếu nhi các tỉnh phía Nam (tổ chức tại tỉnh Quảng Nam) để kịp có tác phẩm ở trại sáng tác địa phương. Với ý tưởng đã chuẩn bị sẵn khi còn đang ở trại viết Quảng Nam, ngay khi về đến Bình Định, Hân đã thức trọn đêm để viết tay truyện “Dấu chấm” và nhờ trại sinh Lê Văn Đồng đánh máy hộ vì cô bé chưa có máy tính. Trưa 11.7, vài tiếng trước buổi chiều bế mạc trại, hai trại sinh mảng âm nhạc là Huỳnh Đức Thành và Đinh Xuân Hân vẫn say sưa tập cùng nhau bài hát mới “Anh vẫn yêu em”; cạnh đó, trại sinh Nguyễn Cẩn cũng chuẩn bị cho phần biểu diễn của mình: Tự đệm đàn và hát bài “Tìm nguyên sơ”, phổ thơ của Bích Huyền (trại sinh mảng văn học). Đây là hai tiết mục văn nghệ biểu diễn tại buổi bế mạc trại như một cách “báo cáo” thiết thực.
Và kết quả
Trại sáng tác VHNT trẻ Bình Định lần 3 - hè 2016 có sự tham gia của 32 năng khiếu ở 3 lĩnh vực: Văn học, âm nhạc và mỹ thuật, với 29 tác giả là người trong tỉnh và 3 trại sinh khách mời đến từ Gia Lai, Quảng Ngãi, Phú Yên. Trong 4 ngày tập trung sáng tác, trại viết đã thu được 68 bài thơ, 20 truyện ngắn, 6 tạp bút; 5 ca khúc; 10 bức tranh.
Với số lượng trại sinh đông gần gấp đôi cả hai mảng âm nhạc và mỹ thuật cộng lại, ở Trại sáng tác VHNT trẻ Bình Định lần này, mảng văn học tiếp tục tạo ấn tượng. Trong số 19 trại sinh của tỉnh thuộc mảng văn học, có 9 gương mặt mới tham gia trại lần đầu. Nghĩa là chỉ trong vòng 1 năm, trong tỉnh xuất hiện thêm chừng ấy cây bút mới, hoặc đâu đó trong tỉnh lại lóe thêm vài cây bút có tác phẩm tốt để được mời dự trại - cũng đã là một tín hiệu vui. Điều đó cũng cho thấy sự theo dõi sát sao, chu đáo trong khâu dõi theo sáng tác trẻ, phát hiện nhân tố mới ở cơ sở của Hội VHNT tỉnh.
Có thể kể đến các cây bút trẻ quen thuộc như: Lê Văn Đồng, Nguyễn Đặng Thùy Trang (Mẫu Đơn), Phạm Quyên Chi, Lê Văn Linh. Ngoài ra, trại lần này còn chứng kiến bước đột phá của cây bút văn xuôi Thu Uyên; sự xuất hiện khá mới mẻ của các cây bút thơ khá có chất như Vân Phi, Trần Văn Thiên…
SAO LY