Nạn ăn xin tràn lan
Ở TP Quy Nhơn, vào bất cứ quán ăn, quán giải khát nào nằm trên trục đường Xuân Diệu, Lê Duẩn, An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành… chừng vài chục phút là đã gặp vài người ăn xin ngửa tay xin tiền. Tại các chợ cũng luôn thường trực từ vài người đến cả chục người ăn xin hành nghề.
Ăn xin tại một quán nhậu trên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn.
Người ăn xin ở đủ lứa tuổi, có cả thanh niên khỏe mạnh. Một số người sử dụng các chiêu trò như giả cụt chân, cụt tay, giả bệnh tật, bôi phẩm màu đầy người giả lở loét để làm động lòng người khác. Có những người ăn xin là người dân tộc thiểu số ở xã Canh Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên ra Bình Định xin ăn và một số người ở xã Canh Hòa (Vân Canh)… tạo nên một đội quân đông đảo xuất hiện trên các phố xá.
Chị Trần Thị Cẩm Thu, ở đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, phàn nàn: “Người ăn xin giờ nhiều quá. Có hôm tôi mới ngồi ở quán nước mía trên đường Xuân Diệu chừng 20 phút có đến 3 lượt người tới xin tiền, già có, trẻ có, thanh niên cũng có. Thấy họ tội, nên mình cũng rút hầu bao ra cho. Nhưng, đi nơi khác tôi lại thấy họ và nhiều người khác xuất hiện nữa!”.
Ở các địa phương lân cận TP Quy Nhơn như huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn hay xa hơn là thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), nạn xin ăn cũng diễn ra khá rộ. Vào các ngày rằm, mùng một tại một số chùa như Gia Khánh (xã Phước Lộc- Tuy Phước); chùa ông Núi (xã Cát Tiến - Phù Cát); chùa Hiển Nam (TP Quy Nhơn) có cả một đội ngũ người ăn xin túc trực, gây phiền hà cho người viếng chùa.
Chúng ta không vô cảm trước những hoàn cảnh bất hạnh nhưng không vì thế mà chấp nhận tình trạng người ăn xin tràn lan như hiện nay, bởi nó làm cho bộ mặt xã hội nhếch nhác, ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch của tỉnh.
Theo ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trước đây ngành đã triển khai Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục triển khai Đề án này trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, cơ bản không còn tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
Bà Nguyễn Thị Thế Vy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), cho hay: Đề án tập trung đặt ra các giải pháp chủ yếu như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tập trung đối tượng; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là số đối tượng từ địa phương khác đến cư trú; lồng ghép các chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm... Việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn thực hiện theo quy trình từ tập trung, chuyển giao đối tượng, quản lý, phân loại, chuyển đối tượng về các cơ sở bảo trợ xã hội, đến giải quyết bảo lãnh cho các đối tượng còn thân nhân.
TRỌNG LỢI