Xã hội hóa thể thao: Cần linh hoạt hơn trong cách làm!
Công tác xã hội hóa thể thao ở Bình Ðịnh trong những năm qua ghi nhận sự phát triển rộng khắp và mạnh mẽ. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự phát huy những hiệu quả tích cực, có lẽ ngành thể thao phải linh hoạt, năng động hơn.
Những năm gần đây, số lượng cơ sở thể thao tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể. Cùng với đó, nhiều giải đấu thể thao sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách được tổ chức, tạo nên bức tranh sinh động trong đời sống thể thao của đông đảo cán bộ, nhân dân.
Giải bóng rổ TP Quy Nhơn mở rộng lần thứ I - năm 2016 được tổ chức dựa vào 100% kinh phí xã hội hóa.
Những “mô hình” hiệu quả
Với công tác xã hội hóa thể thao, tùy theo quy mô, tính chất của mỗi sự kiện mà việc vận động kinh phí tài trợ, sự chuẩn bị khâu tổ chức tương xứng. Việc duy trì được nguồn kinh phí ổn định sẽ giúp giải đấu tổ chức bài bản, theo đúng kế hoạch đề ra. Đơn cử như ở Giải quần vợt ngành Du lịch toàn quốc năm 2016 vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn cách đây ít ngày, Ban Tổ chức đã vận động được khoảng 300 triệu đồng để lo toàn bộ chi phí cho giải.
Nhờ đó, công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, duy trì giải đấu đến nay đã 21 năm. Dù chỉ được xem là nơi để các doanh nghiệp trong ngành du lịch giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác làm ăn, nhưng giải cũng góp phần đáng kể đến việc thúc đẩy phong trào tập luyện quần vợt ở các đơn vị. Đặc biệt, trong 4 năm gần đây, với sự tài trợ chính của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, giải trở nên sôi nổi hơn nhờ tăng số nội dung thi đấu, tăng giá trị giải thưởng.
Cách đây chưa lâu, một giải bóng rổ phong trào được tổ chức tại Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn. Tuy là giải lần đầu tiên, nhưng giải diễn ra khá sôi nổi, với sự tham gia của 11 đội, đến từ 4 tỉnh, thành phố. Điều đáng nói đây là giải đấu hoàn toàn do những người đam mê bộ môn bóng rổ đứng ra tổ chức. Họ cùng nhau “sắm vai” nhà tài trợ, Ban Tổ chức, trọng tài… để tạo điều kiện cho những thanh thiếu niên có cùng sở thích chơi bóng rổ được giao lưu, cọ xát, học hỏi.
Anh Nguyễn Đình Cẩm, HLV lớp bóng rổ phong trào - thành viên Ban Tổ chức giải - cho biết: “Tôi từng là VĐV chuyên nghiệp nên hiểu rất rõ việc thi đấu thường xuyên có tầm quan trọng thế nào. Vì vậy, khi tìm được tiếng nói chung với một số anh em cùng đam mê bóng rổ, chúng tôi bắt tay ngay vào việc tổ chức giải. Dù chỉ là sân chơi phong trào, nhưng rất nhiều người muốn tham gia. Và sau khi giải tổ chức thành công, số lượng người đăng ký các lớp bóng rổ cũng tăng lên đáng kể”.
Cần linh động ở cách nghĩ, cách làm
Không rộn ràng như hai giải đấu kể trên, nhưng Giải bóng đá nhi đồng truyền thống xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) cũng xứng đáng là một mô hình xã hội hóa tiêu biểu. Bởi giải đã duy trì được 18 năm qua, luôn được xem là một trong những sự kiện thể thao đáng chú ý nhất của nhiều người dân trong xã.
Việc chuẩn bị lực lượng tham dự giải luôn được các thôn tích cực thực hiện từ nhiều tháng trước ngày khai mạc. Cùng với đó, họ phân công thành viên đi vận động kinh phí đóng góp của từng hộ dân. Người ít thì vài chục ngàn đồng, người nhiều có khi vài triệu đồng.
Anh Tuấn Sơn, cán bộ thể thao xã Tam Quan Nam, hồ hởi cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức giải lần thứ 18, hiện Ban Tổ chức đã nhận được sự tài trợ của 16 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài xã. Đây là sự động viên rất lớn với phong trào TDTT địa phương. Theo tôi, việc bảo đảm duy trì sân chơi lành mạnh, công bằng, trung thực sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của mọi người. Đó cũng là lý do giải ngày càng có chất lượng và thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ”.
Từ Giải bóng đá nhi đồng ở xã Tam Quan Nam, không khỏi không nghĩ đến Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia mà đội tuyển Bình Định đang tham gia. Sau khi đội bóng đất Võ không còn thi đấu ở giải chuyên nghiệp, nguồn kinh phí do ngân sách cấp cho đội bóng cũng giảm đáng kể. Trong khi bóng đá đỉnh cao luôn có nhiều nguồn thu nhập như: bản quyền truyền hình, hợp đồng quảng cáo thương hiệu, kinh doanh áo đấu, đồ lưu niệm… nguồn thu từ đội bóng Bình Định hầu như chẳng có gì. Những năm trước, quanh đường piste sân vận động Quy Nhơn có khá nhiều bảng quảng cáo từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nay lại trống trơn.
Vẫn biết rằng giá trị đội bóng đi xuống theo hạng đấu, nhưng chưa hẳn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… quay lưng hẳn với bóng đá. Nếu có cơ hội đóng góp để vực dậy bóng đá tỉnh nhà, tin rằng họ sẽ vẫn tham gia nhiệt tình. Điều quan trọng là trong tình hình khó khăn chung, những gói tài trợ không dồi dào như trước, nếu chúng ta biết chia nhỏ để phù hợp với quy mô từng đối tượng cụ thể sẽ dễ thu hút hơn. Mặt khác cũng cần thấy rằng ngay khi thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp, có lẽ cách làm của ta cũng có vấn đề. Nếu không thế thì cũng chưa đến mức phải rơi theo chiều thẳng đứng như thế.
***
Ở mỗi thời điểm, việc vận động xã hội hóa có những điểm khác nhau, do đó, cần phải luôn linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm để đạt được hiệu quả cao nhất. Và mô hình chia nhỏ như xã Tam Quan Nam đã làm từ nhiều năm qua cũng đáng để lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương khác học hỏi, áp dụng!
LÊ CƯỜNG