Đừng để cơ chế thành rào cản!
Cách đây chưa lâu, trò chuyện với vị phụ huynh của một VĐV nghiệp dư, tôi được nghe cô hào hứng kể về hành trình thi đấu giải khu vực của con mình. Cô tỏ rõ sự vui mừng và tự hào khi cậu con trai giành được huy chương ngay từ lần đầu tiên tham gia. Tuy nhiên, ngay sau đó cô thở dài với giọng trách móc: “Mang tiếng là đại diện cho tỉnh đi thi đấu, nhưng kinh phí di chuyển, ăn, ở… hoàn toàn do chúng tôi tự bỏ tiền túi ra. Đã vậy, đến khi nhận huy chương về còn chẳng được nhận bất cứ đồng tiền thưởng nào. Đã chấp nhận “chơi” rồi thì chúng tôi cũng không tính toán thiệt hơn, nhưng điều tôi muốn nói là người ta cũng nên thể hiện sự quan tâm, động viên chứ”. Đem chuyện này đi hỏi một nhà quản lý thể thao thì được trả lời: “Chúng tôi muốn trao thưởng lắm chứ, nhưng cơ chế không cho phép thì đành chịu”.
Trong điều kiện nhiều đội tuyển thể thao hàng năm tuyển cả chục VĐV, nuôi ăn học nhiều năm chưa chắc đã đủ khả năng tranh chấp huy chương ở các giải khu vực, quốc gia, việc những VĐV nghiệp dư đủ tư cách tham gia đội tuyển tỉnh đi thi đấu là điều chúng ta nên khuyến khích. Trong điều kiện có thể, những VĐV được đánh giá có khả năng đạt thứ hạng cao cũng nên được hưởng một số chế độ khi đi thi đấu. Còn khi đã giành được huy chương, họ xứng đáng nhận những phần thưởng tương xứng, thậm chí cao hơn mức dành cho những VĐV tập luyện thường xuyên ở đội tuyển tỉnh, vì ngành thể thao đã không tốn kinh phí đào tạo VĐV.
Ở một số thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, nhiều VĐV được thưởng rất cao dựa vào thành tích đạt được ở các giải quan trọng bất kể họ có là thành viên đội tuyển hay không. Ngoài phần thưởng được trao một lần, họ còn được hỗ trợ kinh phí hàng tháng để tập luyện, phát triển khả năng của mình. Nguồn kinh phí hỗ trợ chỉ bị cắt khi VĐV không thể giữ vững thành tích ở lần thi đấu tiếp theo. Cách làm này được coi là phương án xã hội hóa hiệu quả, bởi nó khuyến khích những VĐV không chuyên tham gia tập luyện để đạt thành tích cao, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Điều đó cũng giúp những cơ sở đào tạo tư nhân phát triển, giảm tải cho cách huấn luyện theo kiểu “gà nòi” truyền thống, giảm áp lực giải quyết đầu ra của VĐV cho ngành thể thao. Đây là những cách làm không mới nhưng chúng ta vẫn chưa tiếp cận để đưa vào thực tế. Vì vậy, ngành thể thao cần có tham mưu cụ thể để các ngành các cấp có thẩm quyền xem xét, nhằm tạo nên hướng đi mới cho thể thao Bình Định phát triển hơn trong những năm tới.
VŨ LÊ