Sinh viên Lào tìm hiểu văn hóa Việt
Vừa qua, các lưu học sinh Lào đang học lớp tiếng Việt tại Trường ÐH Quy Nhơn đã có những trải nghiệm thú vị và bổ ích khi đến tham quan nhiều di tích, làng nghề nổi tiếng của Bình Ðịnh.
Đoàn thực tế “Tham quan tìm hiểu văn hóa Việt Nam” gồm có 2 giảng viên và 29 lưu học sinh ở các tỉnh Nam Lào, đang theo học lớp tiếng Việt khóa 8 (2012-2013) của khoa Ngữ Văn, ĐH Quy Nhơn. Trong các ngày từ 24-27.6, các lưu học sinh Lào đã được đi thực tế tham quan rất nhiều điểm đến thú vị tại Quy Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, như: Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, tháp Đôi, cầu Thị Nại, Thành Hoàng Đế, chùa Thập Tháp, làng rèn Phương Danh, làng gốm Nhạn Tháp, làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, Bảo tàng Quang Trung, lăng Mai Xuân Thưởng, Đàn tế Trời đất, Từ đường Bùi Thị Xuân, mộ danh nhân Đào Tấn, Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu…
Thạc sĩ Trần Xuân Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn, cho biết: “Những năm qua, khoa đã đào tạo được 7 khóa học tiếng Việt cho hơn 700 lưu học sinh ở các tỉnh Nam Lào. Tuy nhiên, chỉ đến lớp tiếng Việt khóa 8 là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức đi thực tế “Tham quan tìm hiểu văn hóa Việt Nam”. Đây cũng là học phần thực hành cuối cùng trước khi kết thúc khóa học, giúp các em vừa tìm hiểu vừa thực hành giao tiếp tiếng Việt, biết thêm những điều mới mẻ, những nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất mình đang học tập”.
Đi theo đoàn thực tế tham quan các điểm di tích tại huyện Tuy Phước, thấy các lưu học sinh Lào rất chăm chú tìm hiểu. Mộ danh nhân Đào Tấn nằm trên núi cao, nhưng các lưu học sinh Lào vẫn hăng hái leo lên giữa trời nắng gắt để thăm viếng. Đến Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, họ bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự nghiệp sáng tác của vị thi sĩ tài hoa. Na Khanthavong, 32 tuổi, ở tỉnh Champasak, tâm sự: “Trước khi đến Quy Nhơn học tiếng Việt, tôi là Trưởng Phòng Quản lý phục vụ du khách của Sở VH-TT&DL tỉnh Champasak. Sau này về lại quê hương công tác, tôi sẽ nghiên cứu đề xuất việc hợp tác tham quan du lịch kết hợp tìm hiểu truyền thống văn hóa, lịch sử giữa hai tỉnh Champasak - Bình Định”.
Sau khi kết thúc chuyến thực tế vào sáng 27.6, ngay buổi chiều cùng ngày các lưu học sinh Lào đã làm bài thu hoạch đạt kết quả tốt khi cảm nhận về những địa điểm được tham quan. Phoudsady Xeuachan (quê ở tỉnh Champasak) ấn tượng nhất là di tích tháp Đôi vì cảnh đẹp nơi đây. Còn Anong Vannavong (quê ở tỉnh Salavan) thì cảm nhận đẹp nhất là Bảo tàng Quang Trung, bởi có nhiều hiện vật di tích lịch sử để tìm hiểu và có các em thiếu nhi đang học võ để bảo vệ mình và phục vụ cho khách tham quan…
MAI THƯ