Xử lý chất thải y tế:
Còn nhiều lo ngại
Với một lượng lớn chất thải y tế phát sinh hằng ngày, các cơ sở y tế phải “gồng mình” để xử lý. Tuy nhiên, hoạt động xử lý chất thải y tế vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại.
Khối lượng lớn
Ngày 27.11.2001, lò đốt chất thải rắn đặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh (TP Quy Nhơn) chính thức đốt mẻ chất thải đầu tiên. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Tổ trưởng tổ công tác của Ban Chỉ đạo Xử lý chất thải rắn y tế tỉnh, đây là lò đốt đạt tiêu chuẩn châu Âu. Khi mới vận hành, lò đốt này phải “gánh” hết chất thải rắn y tế trên toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2006-2009, lần lượt 13 lò đốt có công suất nhỏ hơn được xây dựng ở các cơ sở y tế tuyến huyện. Hiện nay, mỗi ngày lò đốt chất thải rắn đặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh phải xử lý 250kg chất thải rắn của 92 cơ sở y tế trên địa bàn Quy Nhơn.
Tại BVĐK tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng lượng chất thải rắn lây nhiễm thải ra là 32.491kg. Trong đó, loại A (chất thải sắc nhọn) 6.837kg; loại B, loại C (chất thải lây nhiễm không sắc nhọn và chất thải nguy cơ lây nhiễm cao) 22.592kg; loại D (chất thải giải phẫu) 3.062kg. Theo bác sĩ Huỳnh Thị Vân, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK tỉnh, chỉ riêng kinh phí để đốt chất thải rắn đã “ngốn” gần 1 tỉ đồng/năm.
Theo nhiều cán bộ quản lý ngành Y tế, một vấn đề nan giải hiện nay là xử lý rác thải ở các trạm y tế. Theo quy định, chất thải y tế chỉ được lưu 48-72 giờ tùy theo tính chất nguy hại. Các trạm ở gần có thể vận chuyển chất thải rắn đến TTYT để đốt, nhưng với các trạm ở xa thì không thể vì lượng chất thải rắn phát sinh rất ít (chỉ tập trung vào các đợt tiêm chủng). Đầu tư các lò đốt tại chỗ lại gây lãng phí lớn. Không chỉ ở tỉnh ta, mà các địa phương khác cũng chưa có hướng giải quyết cho vấn đề này.
TTYT thị xã An Nhơn không phải là cơ sở y tế có quy mô lớn, nhưng lượng chất thải rắn y tế thải ra cũng không hề nhỏ. Từ đầu năm đến nay, chất thải loại A đã thải ra là 410kg, loại B và C 840kg, loại D 210kg. Mỗi lần hoạt động, phải mất 8 lít dầu, lò đốt của Trung tâm mới “giải quyết” được 20kg chất thải. “Hằng tháng, chỉ riêng tiền dầu đã mất đứt 3 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như điện, thuê nhân công… Bệnh nhân càng đông thì lượng chất thải càng tăng, chi phí xử lý càng lớn”, Giám đốc Trung tâm Lê Thái Bình bày tỏ.
Trong khi đó, BVĐK khu vực Bồng Sơn cũng đau đầu với bài toán kinh phí xử lý rác. Bác sĩ Lê Thân, Giám đốc Bệnh viện, cho hay: “Mỗi năm, chỉ riêng chi phí để đốt chất thải rắn đã hơn 500 triệu đồng. Chưa kể, qua hơn 5 năm hoạt động, lò đốt chất thải rắn đã “rệu rã”, phải sửa chữa thường xuyên. Lần sửa mới đây nhất tốn cả trăm triệu đồng”.
Nhiều lo ngại
Sắp tới, Dự án hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ sẽ hỗ trợ xây mới 3 lò đốt chất thải rắn ở BVĐK khu vực Bồng Sơn, BVĐK khu vực Phú Phong và TTYT huyện Tây Sơn. BVĐK tỉnh cũng sẽ được đầu tư xây mới hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.000m3/ngày. Trong khi đó, UBND tỉnh cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ đầu tư 1 hệ thống xử lý chất thải rắn y tế từ nguồn vốn của Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện.
Cứ 3 tháng lò đốt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi phải được bảo dưỡng một lần, nhưng đến giờ lò đốt cũng đã xuống cấp. “Nghiêm trọng nhất là bộ phận chịu nhiệt. Đất chịu nhiệt lở ra từng mảng. Lớp đất xung quanh lò có thể đắp lại dùng tạm, riêng lớp mặt trên lò thì luôn trong tình trạng “lơ lửng”, không biết sụp xuống lúc nào”, ông Huỳnh Văn Mục, người vận hành lò đốt, lo ngại.
Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải của BVĐK tỉnh hoạt động từ năm 2000, lúc đó số giường bệnh của Bệnh viện chỉ là 650, đến nay số giường bệnh thực kê đã là 1.305. Đây là nguyên nhân chính khiến lượng nước thải y tế phát sinh cao hơn công suất hoạt động của hệ thống, dẫn đến chất lượng nước thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn. Kết quả quan trắc về nước thải thực hiện ngày 20.12.2012 cho thấy các chỉ tiêu COD, Amoni, tổng Coliforms không đạt.
Bên cạnh đó, nhà lưu giữ chất thải BVĐK tỉnh dù đã đạt theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng vẫn cần phải được mở rộng và trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. “Hiện nay, Bệnh viện không đủ kinh phí để mua sắm các thùng đựng vật sắc nhọn đạt chuẩn (kháng thủng, chống thấm, có giá 15.000-20.000 đồng/thùng 2 lít), nên phải “tận dụng” các thùng đựng thuốc dày, dán biểu tượng nguy hại bên ngoài và bọc bao nhựa chống thấm”, bác sĩ Vân cho biết.
Vốn được đánh giá cao trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng TTYT thị xã An Nhơn vẫn chưa thật sự yên tâm với hoạt động xử lý chất thải y tế. Bác sĩ Lê Thái Bình thông tin: “Trung tâm luôn nghiêm túc thực hiện quy chế quản lý chất thải, có đầy đủ báo cáo đề án bảo vệ môi trường, sổ theo dõi lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày, giấy phép hành nghề quản lý chất thải y tế, báo cáo kết quả giám sát môi trường định kỳ… Tuy nhiên, do hệ thống xử lý nước thải chưa được kết nối hoàn chỉnh, nên vẫn chưa được cấp giấy phép xả nước thải ra môi trường”.
NGUYỄN VĂN TRANG