Từ những hiện vật gốm cổ sản xuất tại Tây Sơn do Bảo tàng Tổng hợp Bình Định sưu tầm được:
Gốm Bình Định - một dòng riêng
Trong dòng chảy truyền thống của gốm Việt, gốm Bình Định là một dòng riêng, tuy không xuất sắc nhưng cũng có nhiều điểm thú vị. Bắt đầu từ dòng gốm Gò Sành ở thế kỷ 12-15, nghề gốm được bảo tồn và phát triển đến nay ở Bình Định.
Theo các chuyên gia, trong kỹ thuật sản xuất gốm ở xã Nhơn Hậu (An Nhơn), phần nào đó giống với kỹ thuật sản xuất gốm Chăm. Thế kỷ 17, 18, 19 có sự nở rộ của nghề, trong đó những làng nghề gốm nổi tiếng có thể kể đến Hữu Thành (Tuy Phước) làm từ triều Gia Long; Trà Quang (Phù Mỹ) làm từ triều Minh Mạng; Thượng Giang (Tây Sơn) làm đồ gốm tráng men từ năm thứ I đời Minh Mạng (1820)…
Đầu thế kỷ XX, Roland Bulteau trong bài viết đăng trong “Bulletin des Amis du Vieux Hué” (B.A.V.H) năm 1927 đã thống kê có 17 làng trong số 688 làng ở Bình Định có chuyên môn làm đồ gốm, đặc biệt có 5 làng sản xuất gốm có tráng men - một kỹ thuật đến nay đã thất truyền.
Sưu tập bình vôi, gốm Bình Nghi, thế kỷ 19.
Năm 2015, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã sưu tầm được một số lượng khá lớn những hiện vật đồ gốm, là sản phẩm của các lò nung gốm trên địa bàn huyện Tây Sơn ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Số lượng đồ gốm này chủ yếu tập trung ở các lò gốm Đồng Phó - Tây Giang và khu lò gốm ở Bình Nghi, Tây Sơn.
Những hiện vật đồ gốm thuộc lò gốm Đồng Phó - Tây Giang, Tây Sơn gồm có: 7 chiếc hũ nhỏ, 2 hũ cỡ trung. Hũ nhỏ có dáng thấp; miệng nhỏ, thẳng, cắt bằng; cổ thấp; vai nở; thân phình to, tròn, thu nhỏ về đáy; đáy rộng, mặt đáy hơi lõm ở giữa. Hũ tráng men nhưng men bị sống, thô. Xương gốm cứng do nung ở nhiệt độ cao. Hoa văn trang trí khá đơn giản, chủ yếu trang trí các vòng tròn khắc chìm chạy vòng quanh phần vai hoặc thân, có chiếc thì trang trí 4 bông hoa 5 cánh cách điệu đắp nổi nhưng rất nhỏ. Đặc biệt là hai hũ gốm cỡ trung có màu sắc và hình dáng khá đẹp.
Hũ tráng men màu vàng có dáng thấp; thân phình tròn thu nhỏ về đáy; miệng rộng; cổ thẳng, thấp, vành miệng cắt bằng; vai nở; mặt đáy bằng; trên vai có trổ 4 quai dọc, phân bố thành 2 cặp đối xứng nhau qua miệng hũ, nhưng một quai đã bị gãy mất. Hũ tráng men mặt ngoài, mặt trong không tráng men. Xương gốm khá dày. Vai hũ trang trí 2 cặp vòng tròn song song khắc chìm nhưng hơi mờ.
Hũ màu đỏ nhạt, có dáng thấp; thân phình tròn thu nhỏ về đáy; miệng thẳng; cổ thấp; vai nở, mặt đáy bằng; trên vai có trổ 4 quai ngang, đối xứng nhau qua miệng hũ. Hũ không tráng men, xương gốm khá dày. Vai hũ trang trí một băng hoa văn khắc vạch song song nhưng hơi mờ.
Những hiện vật đồ gốm thuộc lò gốm Bình Nghi, Tây Sơn gồm có 3 bình vôi tráng men, 11 bình vôi không tráng men, 4 chiếc niêu đất, 1 hũ sành.
Bình vôi tráng men một cái có dáng cao; thân phình ra; cổ bình cao, hình trụ, đỉnh bình tạo nắp giả, hai cái còn lại có dáng thấp, thân phình lớn; thân bình nối liền chân bình tạo lõm lòng máng giống như dáng trống đồng; chân choãi ra; phía trên không tạo nắp giả mà tạo quai bình nhưng đã bị vỡ. Các bình vôi đều có thân rỗng, trên vai bình khoét lỗ tròn để bỏ vôi vào và lấy vôi ra khi cần sử dụng. Các bình vôi này không trang trí hoa văn, nhưng tráng men khá đẹp, men có độ bóng.
Bình vôi không tráng men bao gồm 11 cái về cơ bản cũng phân làm hai loại hình như bình vôi tráng men, chỉ khác là một số bình có xương gốm thô, do nguyên liệu đất không được làm kỹ hoặc do kỹ thuật nung không tốt, gốm không được phủ men trước khi nung. Bình vôi thường được dùng trong sinh hoạt, là vật dụng dùng để đựng vôi, sử dụng trong tục ăn trầu truyền thống. Nước vôi được đổ vào lỗ tròn, chứa vôi trong bình, sau đó dùng que quết vôi vào để têm trầu.
Nồi đất bao gồm 4 cái, 2 cái màu đỏ gạch, 2 cái màu xám. Nồi đất có dáng tròn; miệng loe; cổ thắt, vai xuôi; thân phình ra. Đế thóp; mặt dưới đáy hơi lõm. Xương gốm thô, bề mặt không trang trí hoa văn nhưng tương đối nhẵn mịn.
Một hũ sành có dáng tròn, thon dài. Cổ cao và đứng; vai xuôi; phần thân thóp nhỏ dần từ vai đến đế. Mặt dưới của đáy lõm. Xương gốm thô, cứng, bề mặt hũ hơi sần sùi. Ở gần miệng và vai hũ có trang trí hoa văn 2 đường chỉ khắc chìm chạy viền xung quanh, nét chạm khắc thô sơ.
Những đồ gốm sưu tầm được lần này càng củng cố chắc chắn về sự tồn tại của các lò gốm cổ ở thế kỷ XIX trên mảnh đất Tây Sơn.
NGUYÊN VIỆT