Thêm một địa chỉ văn hóa ở Hoài Ân
Đó là Nhà truyền thống Sư đoàn 3 Sao vàng, xây dựng trong khuôn viên Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân. Nhà truyền thống xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Nổi bật tại Nhà truyền thống Sư đoàn 3 Sao vàng là phần giới thiệu về Đất và Người Hoài Ân. Trong đó, đáng chú ý có cụm hiện vật tài liệu phản ảnh sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên trên đất Hoài Ân - Chi bộ Vạn Đức, lá cờ đỏ của ông Hồ Dự sử dụng khi tham gia các cuộc biểu tình, nổi dậy giành chính quyền thắng lợi vào ngày 24.8.1945, hàng chục hũ sành, hũ đất hưởng ứng phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Hũ gạo nuôi quân” tham gia 9 năm kháng chiến kiến quốc, chống thực dân Pháp 1945-1954… Những hiện vật ấy kết hợp một số hình ảnh của các cơ quan Khu ủy Khu V, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng sống, làm việc tại Hoài Ân, chứng minh một cách thuyết phục Hoài Ân là vùng an toàn của Liên khu V trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cán bộ và nhân dân xem nội dung trưng bày trong Nhà truyền thống.
Về giai đoạn 21 năm chống Mỹ, với số lượng hiện vật phong phú đa dạng, đã phản ảnh sinh động phong trào toàn dân làm cách mạng, toàn dân đánh Mỹ ở Hoài Ân. Tiêu biểu như nắp hầm bí mật của gia đình bà Nguyễn Thị Lượng ở Ân Thạnh, tuy đơn sơ nhưng chứa đựng trong đó những câu chuyện lịch sử sâu đậm tinh thần yêu nước của cả một thế hệ, tình yêu thương vô bờ của người dân đối với cách mạng lúc bấy giờ... Điểm nhấn nổi bật trong phần trưng bày thời chống Mỹ là một số hình ảnh, kỷ vật tiêu biểu phản ánh trung thực sự kiện lịch sử Chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Hoài Ân và giai đoạn 1.000 ngày giữ đất của Đảng bộ quân và dân Hoài Ân, từ 1972-1975.
Tổng diện tích trưng bày trên 700 m2, gồm 2 tầng. Trong đó, tầng 1 giới thiệu tổng quan về Đất và Người Hoài Ân, truyền thống văn hóa, lịch sử và truyền thống kháng chiến, có 5 tiêu đề với hơn 300 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được đưa vào trưng bày. Tầng 2 giới thiệu truyền thống lịch sử hình thành, chiến đấu và trưởng thành từ năm 1965 đến nay của Sư đoàn 3 Sao vàng, có 9 tiêu đề với hơn 400 tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày.
Đó là Quyển sổ vàng truyền thống- ghi 65 lời thề quyết tử cho Hoài Ân giải phóng của cán bộ, đảng viên. Tuy những dòng lưu ký ấy đã bạc màu vì thời gian, song trong đó vẫn còn nguyên vẹn chất lửa và hào khí của người đảng viên cộng sản, của người con quê hương trong thời khắc lịch sử chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng quê nhà. Đó là Lá cờ Giải phóng, lá cờ đã tung bay trên nóc hầm Chi khu quận lỵ (Đồi đất đỏ-Ân Phong) vào lúc 11 giờ ngày 19.4.1972, đánh dấu sự thất bại thảm hại của chế độ Mỹ- ngụy trên quê hương Hoài Ân.
Tại Nhà truyền thống có trưng bày những hình ảnh ghi lại các cuộc đổ bộ ồ ạt bằng trực thăng, xe tăng vào thung lũng Hoài Ân hòng tái chiếm vùng giải phóng trong những năm 1972-1973 của Mỹ - Ngụy. Cùng với những hình ảnh Đội cối nữ bộ đội huyện tham gia trận đánh Núi Bụt, bộ đội huyện đánh địch ở đồi Không Tên là chuỗi hình ảnh bộ đội Sư đoàn 3 Sao vàng tập luyện quân sự, đào công sự bám chốt đánh địch tại Núi Chợ, đồi 174... cùng với những chiếc cuốc dùng đào hầm, hào, đào địa đạo của nhân dân ở Núi Bụt, Núi Chéo, đồi A6, đồi Không tên... được trưng bày trang trọng, gợi lên một lịch sử đấu tranh anh dũng đầy gian khổ và hy sinh của các thế hệ chiến sĩ, của người dân Hoài Ân anh hùng.
Nhà truyền thống Sư đoàn 3 Sao vàng thực sự là một địa chỉ văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Nơi để cán bộ, nhân dân trong và ngoài huyện đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về Đất và Người Hoài Ân, về truyền thống của Sư đoàn 3 Sao vàng anh hùng.
VÕ CHÍ HÀ