Vĩnh Thạnh: Nơm nớp trước nạn xâm thực
Hiện nay, tình trạng xâm thực của sông Côn đang diễn ra từng ngày, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất tại một số địa phương thuộc huyện Vĩnh Thạnh, khiến chính quyền địa phương và người dân hết sức lo lắng.
Trước đây, hệ thống kè chống xói lở Tà Dinh dài khoảng 1.500m có vai trò dẫn, giữ nguồn nước bắt nguồn từ hồ Tà Niêng chảy qua các làng L1, L2, L5, L7, phục vụ tưới tiêu cho hàng chục hecta lúa nước và đất nông nghiệp của nhiều hộ dân. Sau đợt lũ cuối năm 2013, gần như toàn bộ hệ thống kè chống xói lở Tà Dinh bị hư hỏng nghiêm trọng. Vào mỗi mùa mưa, hơn 10 ha lúa nước dọc suối của 80 hộ dân lại đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi.
Lòng sông Côn ngày càng rộng hơn, liên tục xâm thực, khoét sâu vào khu đất sản xuất của người dân ở thị trấn Vĩnh Thạnh.
Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Thuận, đến nay, đã có 2 ha đất lúa bị bồi lấp không thể tiếp tục sản xuất, nhiều diện tích khác bị ảnh hưởng khiến năng suất đạt thấp. Để tạm cứu hàng chục hecta đất nông nghiệp không bị sa bồi thủy phá vì nạn xâm thực, chính quyền địa phương đã đổ đất, đắp tạm một đoạn đê kè dài 500m tại phía Nam kè Tà Dinh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cho biết: Khoảng 90% dân số ở đây được tái định cư nên quỹ đất sản xuất bố trí cho các hộ rất ít. Nạn xâm thực đất sản xuất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở đây.
“Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên về tình trạng này nhưng chưa được giải quyết. Nếu không có biện pháp ngăn chặn nạn xâm thực kịp thời thì người dân sẽ không còn đất để canh tác”, ông Sao cho biết thêm.
Tương tự, nạn xâm thực cũng diễn ra tại thị trấn Vĩnh Thạnh do không có kè chống xói lở dọc bờ sông Côn. Theo UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, trước đây mép bờ sông Côn cách xa đất sản xuất, nhưng nay liên tục xâm thực, khoét sâu vào đất sản xuất, tạo thành những bờ vực dựng đứng, có đoạn sâu hơn 20m. Đã có khoảng 10 ha đất trồng bắp, mì, đậu… của 50 hộ dân ở các thôn Định An, Định Tố, Định Bình, Định Tân đã bị “hà bá” nuốt trôi. Ông Nguyễn Văn Hoan, một người dân ở thôn Định Tân, bày tỏ: “Chúng tui mong muốn Nhà nước sớm quan tâm, đầu tư xây dựng bờ kè dọc sông Côn để ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất cho hàng trăm hộ dân ở đây”.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: Ước tính chiều dài bờ sông bị xâm thực khoảng 6.000m. Người dân kêu cứu, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến cấp trên, song đến nay nguyện vọng của bà con chưa được giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Nạn xâm thực do không có kè chống xói lở tại xã Vĩnh Thuận và thị trấn Vĩnh Thạnh thực sự gây lo lắng cho người dân địa phương. Tuy nhiên, số tiền đầu tư xây dựng quá lớn. Đầu tháng 7.2016, UBND huyện có đề xuất cấp trên quan tâm, chỉ đạo vấn đề này và đã được đồng ý về chủ trương xây dựng kè chống xói lở tại 2 địa phương nói trên; trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng trước các đoạn có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, huyện vẫn chưa nhận được quyết định khi nào thì triển khai xây dựng.
PHÚC LỘC