Ðể hiến máu mãi là nghĩa cử cao đẹp
Hiến máu là nghĩa cử cứu người cao đẹp, tuy nhiên thời gian gần đây vẫn tồn tại tình trạng “mua-bán” máu, thậm chí hình thành tư tưởng “bồi dưỡng hiến máu” khiến công tác vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh thu được 13.565 đơn vị máu, đạt trên 95,7% kế hoạch, chiếm 0,97% so với dân số của tỉnh, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu máu trong cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh, với tỉ lệ người tham gia HMTN đạt 0,84% tổng số dân toàn tỉnh.
Hiến máu là nghĩa cử cứu người, không nên quy ra thành tiền (ảnh minh họa).
Tại lớp tập huấn nói chuyện chuyên đề về tầm quan trọng của đăng ký hiến máu dự bị diễn ra vào sáng ngày 25.6.2013 tại Khách sạn Hải Âu (thành phố Quy Nhơn), BS.Võ Đình Lộc (Trung tâm Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã thẳng thắn nhìn nhận: “Bên cạnh số lượng người HMTN, không ít người dân sẵn sàng đi bán máu để lấy tiền. Trong quá trình thu gom máu, chúng tôi thống kê được có đến 70% lượng máu trong ngân hàng máu là do được hiến tặng (sinh viên, các tổ chức, tập thể tham gia hiến máu); 30% còn lại là của những người bán máu chuyên nghiệp (chủ yếu là những người có thu nhập thấp) và người nhà bệnh nhân cho máu. Tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện thì luôn xảy ra, người nhà bệnh nhân cũng như bác sĩ buộc phải huy động những nguồn máu khác để cứu bệnh nhân, trong đó có việc nhận người khác là người nhà cho máu”. Và việc xuất hiện “chợ mua bán máu” cũng là tất yếu, vì “có cầu ắt phải có cung”. Nhìn một góc độ khác, “chợ mua bán máu” đã giải quyết một số tình huống khó khăn cho bệnh nhân cũng như bệnh viện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị 35-CT/TU ngày 17.6.2013 về tăng cường lãnh đạo công tác vận động HMTN. Theo đó hàng năm, vận động ít nhất 20% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, công nhân, lao động; 30% ĐVTN, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp - dạy nghề trên địa bàn và khuyến khích đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia HMTN. Phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ người tham gia HMTN đạt 2% tổng dân số toàn tỉnh.
Đây là một “bài toán” nan giải với những người làm công tác vận động HMTN. Trên thực tế ở những nước đang phát triển, thậm chí ở một số thành phố lớn ở nước ta, việc HMTN không hề nhận tiền bồi dưỡng. Tại Bình Định, mức bồi dưỡng cho mỗi người HMTN là 110 ngàn đồng. “Nhiều người đi HMTN vì tấm lòng, nhưng khi nhận tiền bồi dưỡng họ rất e ngại, vô tình chúng ta đã làm mất đi nghĩa cử cao đẹp của cá nhân người hiến máu. Ngược lại, một số người ban đầu hăng hái HMTN để cứu người, nhưng sau này vì hoàn cảnh đã đăng ký đi hiến máu nhiều lần để nhận tiền sử dụng vào việc khác” - BS. Lộc nhận định.
Thiết nghĩ, để những người HMTN không còn băn khoăn, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền đến từng người dân, từng gia đình, từng cơ quan, đoàn thể để ngày càng có nhiều người HMTN hơn.
MINH NGUYỄN
Khi đi hiến máu thì tôi sẵn sàng đi. Nhưng khi hiến xong và ký vào tờ giấy có nội dung ghi là bán máu, điều này làm tôi rất buồn. Hỏi thì không ai trả lời.