Ðôi điều về cách thưởng, tiền thưởng cho VÐV
1.
Một nghịch lý đang tồn tại ở ngành thể thao trong nhiều năm qua là chúng ta thường xuyên bị khủng hoảng tiền thưởng. Nói cách khác, nguồn kinh phí dành để thưởng cho các VĐV đạt thành tích cao luôn bị thiếu hụt. Đây là điều khiến lãnh đạo các đơn vị thể thao đau đầu, vì mỗi khi VĐV giành được huy chương về lại phải tìm cách né tránh vì… “sợ chúng hỏi tiền thưởng đâu”. Không đạt thành tích hoặc kém so với năm trước thì coi như không hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng khi may mắn gặt hái một vụ mùa bội thu thì lại chẳng khác nào kẻ mang nợ.
Trao giải cho các VĐV đoạt thành tích cao nội dung carom 3 băng tại Giải billiards TP Quy Nhơn năm 2016.
Tất nhiên, sẽ có những nguồn chi dự phòng để thưởng cho VĐV sau đó, nhưng như nhiều người từng nói: khen thưởng là một cách động viên, nếu khen thưởng không hợp lý sẽ làm giảm tác dụng quan trọng đó. Việc bắt VĐV phải chờ đợi lâu mới được nhận thưởng là thiếu tính kịp thời, rất dễ tạo tâm lý không tốt cho VĐV. Việc để vấn đề này tái diễn hàng năm có thể sẽ tạo nên những câu hỏi không đáng có trong đầu VĐV trước khi tham gia giải: chả biết lần này giành huy chương về có được thưởng hay phải chờ đến cuối năm. Thông thường, hàng năm mỗi bộ môn đều phải đăng ký thành tích cụ thể, lên kế hoạch cho VĐV đi thi đấu bao nhiêu giải. Do đó, số lượng huy chương giành được cũng có những dự báo riêng. Thế nhưng, dự trù kinh phí dành để thưởng luôn bị cắt xén khiến khoản chi này luôn thiếu hụt.
2.
Tiền thưởng thường xuyên chậm trễ, còn cách thưởng cũng cần xem lại. Cũng như các đơn vị khác, ngành thể thao có thể có nhiều cách thưởng khác nhau, tùy theo tính chất quan trọng của thành tích mà VĐV giành được. Nhưng dù thế nào, việc khen thưởng kịp thời, cách tổ chức trao thưởng trang trọng cũng sẽ có ý nghĩa tích cực hơn. Bởi khi đó thành tích của VĐV được nêu bật, bản thân người được thưởng cảm thấy vinh dự, tự hào và tiếp tục nỗ lực để giành thêm những thành tích mới; những VĐV tham dự cũng coi đó là tấm gương, động lực để hướng tới. Tuy nhiên, thời gian qua việc trao thưởng vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Đơn cử như trường hợp kỳ thủ Hồ Thị Thanh Hồng. Giành HCĐ cờ tướng thế giới năm 2015, HCB Giải thể thao trí tuệ thế giới 2016, Thanh Hồng là VĐV Bình Định đầu tiên giành huy chương cá nhân ở một giải vô địch thế giới. Tuy vậy, chẳng hề có buổi tuyên dương thành tích nào đặc biệt được tổ chức. Qua sự việc này, người ta lại nhắc đến những lần “ủy lạo binh sĩ” của ông Lê Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở TDTT (nay là Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) trước khi lên đường thi đấu, hoặc khi trân trọng đón VĐV giành vinh quang trở về. Nhờ đó, thể thao Bình Định từng có giai đoạn thăng hoa, với nhiều thành tích ấn tượng. Những bài học còn mới mẻ, nhưng tiếc là ngành thể thao hiện nay không áp dụng, dù không phải việc nào cũng liên quan đến vấn đề kinh phí.
VŨ LÊ