Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 15
Chiều 14.7, tại Cung Nhà nước, thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 15 (AEBF) với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11). Với chủ đề “Kết nối vì tăng trưởng bao trùm”, diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 đại diện các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề ASEM 11
Là lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Diễn đàn ASEM qua hai thập kỷ trong thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Á - Âu và cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời cũng đề cao đóng góp quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển của hai châu lục trên mọi lĩnh vực và góp phần nâng cao vị thế của Á - Âu.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự ASEM 11 tại Mông Cổ.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế; coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, Chính phủ hai nước cùng tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và kết quả đạt được trong Phiên họp lần thứ 9, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị; cùng nhau thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, lành mạnh.
Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam; sẵn sàng cùng với Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao về vấn đề trên biển, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Cũng vào chiều 14.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev nhằm trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Tổng thống Rosen Plevneliev bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và khẳng định quan điểm của Bulgaria và Liên minh châu Âu (EU) đề cao tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nhân dịp tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự ASEM 11, chiều 14.7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini. Về vấn đề biển Đông, hai bên nhất trí cần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), DOC và tiến tới sớm xây dựng COC. Trước đó, tiếp tục chương trình thăm chính thức Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Miyegombo Enkhbold.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề song phương và tại các diễn đàn quốc tế; thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp và giám sát. Hai nước cùng phối hợp để thống nhất quan điểm về các vấn đề khu vực, quốc tế trong thời gian tới; tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại phù hợp với tiềm năng.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Theo HẠNH XUÂN (SGGP)