Đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
(BĐ) - Đó là mục tiêu chính của kế hoạch Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016-2020 được Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai ngày 15.7. Bên cạnh mục tiêu này, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà kế hoạch đặt ra là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám BSGĐ: trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phòng khám BSGĐ tư nhân, phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa Nhà nước.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến cuối năm 2015, đã có 240 phòng khám BSGĐ được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu gắn với hoạt động của bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập hoặc trạm y tế xã, phường. Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập thực hiện thanh toán BHYT.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá, dù mới thành lập, nhưng các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn theo mô hình của Bộ Y tế quy định; thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám BSGĐ, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, phòng khám BSGĐ là một mô hình hay trên thế giới; tuy nhiên việc triển khai ở nước ta còn vướng mắc và chưa thông suốt, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa tạo được chuyển biến, vì nơi làm tốt nhất thì số trường hợp khám bệnh tại trạm y tế cũng chỉ tăng khoảng 15%.
Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra yêu cầu tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm cả phòng bệnh, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe) cho trạm y tế cơ sở. Đồng thời, phải phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố. Hiện nay có tình trạng nhiều nơi trạm y tế xây dựng khang trang nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi không có trạm y tế.
“Bây giờ còn nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng, đừng cứng nhắc rằng cứ mỗi xã một trạm, có những nơi ở miền núi 1 xã cần có nhiều trạm. Vấn đề cần nhất hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG