“Điểm nóng” môi trường!
Có thể nói, vấn nạn ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành thách thức lớn của nhiều địa phương. Bảo vệ môi trường không chỉ là mục tiêu quan trọng để phát triển bền vững của quốc gia và từng địa phương, đồng thời cũng là mong mỏi của người dân. Ngoài các “điểm nóng” kiểu như Formosa hay Vedan, Hào Dương…, vấn đề ô nhiễm môi trường còn diễn ra khá phổ biến, với nhiều cung bậc và hình thái khác nhau.
Đó là các cơ sở thu mua phế liệu gây ô nhiễm môi trường ngay tại các khu dân cư; các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường cả về khói, bụi và tiếng ồn ở các khu, cụm công nghiệp; các khu dân cư và chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường vì rác thải… Tình trạng các cơ sở sản xuất trực tiếp xả nước thải độc hại chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường các kênh, rạch, ao hồ và chuyện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bất cập cũng đang là chuyện “nóng” ở nông thôn.
Việc phát triển sản xuất phá vỡ cân bằng sinh thái, tác động làm biến đổi môi trường sống đang là thực tế “nhãn tiền” ở nhiều nơi.
Đằng sau những cánh rừng trồng cây keo lai xanh bạt ngàn, mang lại nguồn thu nhập lớn để “đổi đời” cho nhiều hộ nông dân là những dòng suối cạn dòng, những nguồn nước ngầm ngày một cạn dần.
Đằng sau những trang trại nuôi heo là vấn nạn ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước do chất thải không được xử lý. Không khí nặng mùi hôi thối quanh năm, ruồi phát sinh khắp xóm làng… là cái giá phải trả không hề rẻ của các vùng chăn nuôi heo tập trung.
Con đường phát triển KT-XH bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống như nguồn nước, nguồn không khí trong lành.
Đã đến lúc vấn đề môi trường cần phải được coi là “điểm nóng”, là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong mọi dự án phát triển KT-XH.
Sự cố môi trường nghiêm trọng từ formosa chính là một sự cảnh báo về việc thu hút đầu tư mà phải đánh đổi môi trường thì cái “được” chỉ là lợi nhỏ trước mắt, còn cái “mất” thì thật khôn lường.
Bài học rút ra từ “hậu Formosa” là cần kiên quyết “nói không” với các dự án có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến môi trường. Bảo vệ môi trường sống trong lành, bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu mà mọi kế hoạch, dự án phát triển KT-XH phải đặt ra.
H.Đ