Xử nghiêm, phạt nặng và…
Từ ngày 15.7.2016, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về TTATGT trên các tuyến quốc lộ, giao thông nông thôn và các tuyến nội thành, nội thị.
Với chiến dịch ra quân lần này, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý nghiêm đối với người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, không đội mũ bảo hiểm; tránh vượt sai quy định; vượt đèn đỏ; lạng lách đánh võng. Ngoài ra, đối với xe máy điện không đăng ký đăng kiểm, không gắn biển số và gắn biển số không đúng với biển số đã đăng ký và vi phạm các lỗi khác về giao thông cũng bị xử phạt giống như mô tô theo đúng quy định tại Nghị định 171/NĐ-CP.
Đây là hành động cần thiết khi tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Kết quả đảm bảo TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 167 vụ TNGT làm chết 92 người, bị thương 124 người. Phân tích chi tiết số liệu cho thấy số người chết giảm 4,2%, số vụ giảm 15,2%, số người bị thương giảm 26,2%. Tuy trong 6 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm trên cả ba tiêu chí nhưng kết quả vẫn chưa bền vững, chỉ tiêu quan trọng nhất là số người chết chỉ giảm 4,2%, chưa đạt mục tiêu giảm từ 5% đến 10%.
Bên cạnh đó, điều mà mọi người tham gia giao thông cần hết sức lưu ý là chỉ còn 2 tuần nữa, kể từ ngày 1.8.2016, Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014.
Với Nghị định 46/2016, nhiều mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông tăng đáng kể so với các nghị định trước. Chẳng hạn, với một số lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn, người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy, không chấp hành hiệu lệnh…, mức phạt tiền tăng từ 10 đến 20%, thậm chí có hành vi mức phạt tăng gần gấp đôi. Nếu bị phát hiện trong cơ thể có chất ma túy, hoặc khi người điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ, thì mức xử phạt cao nhất lên đến 18 triệu đồng! Đây cũng là một hình thức giúp người dân nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông để giữ cho “túi tiền” của mình khỏi bị vơi vì phạt nặng hơn trước khá nhiều.
Chúng ta đều biết rằng, TNGT đã, đang là một “vấn nạn” cho sự phát triển bình thường của đất nước. Thiệt hại vật chất lên đến hàng ngàn tỉ đồng do TNGT là một “lực cản” cho sự phát triển của quốc gia. Hàng chục ngàn người chết vì TNGT hàng năm, phần đông trong độ tuổi lao động và là trụ cột của các gia đình là một sự thiệt hại không thể tính bằng tiền. Và một điều không thể không nhắc nhớ là hiểm họa TNGT có thể đến với bất cứ ai, bất cứ gia đình nào.
“Tính mạng con người là trên hết”! Vì vậy, chuyện lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm và quy định tăng mức chế tài xử phạt chỉ là một phần của vấn đề. Để giảm thiểu TNGT có hiệu quả cao và bền vững thì chỉ riêng các quy định của pháp luật, hay sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… là chưa đủ. Điều quan trọng nhất, cơ bản nhất, hiệu quả nhất vẫn là ý thức tuân thủ và thực hiện chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ của mỗi người mỗi khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường ở mọi lúc, mọi nơi.
HẢI ÐĂNG