Truyền lửa đam mê bóng chuyền cho học sinh
Sinh ra ở Tây Sơn, liên tục đạt được nhiều thành tích thể thao từ thời học sinh, ngoài công việc chuyên môn là một giáo viên thể dục của Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, thầy Nguyễn Bửu Chung còn truyền được niềm đam mê bóng chuyền cho học sinh của mình.
Trong giới bóng chuyền phong trào Bình Định, khi nhắc đến cái tên Chung “lùn” thì hẳn ai cũng biết. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với anh là vóc người rất thể thao với nước da ngăm đen, thân hình rắn chắc.
Nhờ được sự giảng dạy kỹ lưỡng của thầy Chung nên đội bóng chuyền nữ trường chuyên Lê Quý Đôn giành giải nhất thành phố 2015.
“Lùn” nhưng “chất”
Nhắc đến bóng chuyền, anh Chung hào hứng cho biết: “Ngay từ thời tiểu học, tôi cùng với đám bạn trong xóm đã biết lấy dây dừa căng ngang qua khoảng sân trước nhà, mua banh nhựa khoét lỗ bỏ ruột cao su vô chơi. Lên cấp 2, tôi được các thầy ở trường THCS Võ Xán (Tây Sơn) chọn vào đội tuyển của trường để tập luyện. Nhưng do thể hình quá nhỏ (lúc đó chỉ cao 1m49) nên được giao cho vị trí chuyền 2. Đến năm lớp 10 thì tôi chuyển qua chơi vị trí libero. Khi ấy, hầu như ngoài thời gian học thì thời gian còn lại tôi đều dành cho bóng chuyền. Chuyện bị bố mẹ mắng thì xảy ra như cơm bữa vì không bữa nào tôi đánh bóng chuyền mà về trước 6 giờ tối”.
Năm học lớp 10 đánh một dấu mốc quan trọng trong “sự nghiệp VĐV nghiệp dư” của Chung, khi anh là nhân tố quan trọng giúp đội tuyển bóng chuyền nam của trường THPT Quang Trung (Tây Sơn) giành giải Nhất tại Hội khỏe Phù Đổng học sinh toàn tỉnh. Sau giải này, Chung được nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong huyện để ý và anh đã có thêm khoản tiền tiêu vặt khi đi làm “lính đánh thuê” trong các giải bóng chuyền.
Lên lớp 11, Chung bắt đầu “trổ giò” và cao lên được 1m62. Khi ấy, anh nghĩ chơi vị trí chuyền hai và libero hoài cũng chán nên chuyển qua tập ở vị trí tấn công. “Với chiều cao hạn chế, để làm chủ công ở biên rất khó, tôi chủ yếu tập sức bật để chơi vị trí phụ công đánh bóng nhanh”, Chung cho biết. Chung về nhà kiên trì tập luyện với các bài tập như đeo chì vô chân để chạy, tập bật ở hố cát hay đào hố sâu dưới đất rồi ở dưới bật lên nên trong vòng 1 tháng sức bật của Chung đã tăng lên đáng kể. Đến nay, tuy chỉ cao 1m69 nhưng Chung lại sở hữu sức bật đáng nể - 3m20. Vì thế, những pha đánh nhanh cắm vạch 3m đã trở thành thương hiệu của riêng anh. Và biệt danh Chung “lùn” cũng được mọi người gắn cho anh từ ấy.
Nói về người đồng đội thường xuyên thi đấu cùng mình trong các giải bóng chuyền trong tỉnh, VĐV bóng chuyền Nguyễn Duy Lai, người từng có nhiều năm chơi bóng chuyền chuyên nghiệp cho đội bóng chuyền Quân Khu 5, nhận xét: “Ở tỉnh Bình Định, nói về sức bật và kỹ năng đánh bóng nhanh thì Chung hầu như không có đối thủ”.
Truyền lửa đam mê
Tốt nghiệp Khoa Giáo dục thể chất (ĐH Quy Nhơn), năm 2009, Nguyễn Bửu Chung được nhận về làm giáo viên thể dục tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Từ khi về đây giảng dạy, anh không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, mà còn là người có nhiều đóng góp lớn giúp phong trào TDTT của trường ngày càng đi lên, trong đó đặc biệt ở bộ môn bóng chuyền.
Năm 2013, nhằm tạo sân chơi cho các em học sinh có niềm đam mê với bóng chuyền, anh đã đề xuất với Ban giám hiệu và đứng ra thành lập CLB bóng chuyền tại trường. “Trước đây nhiều em có xem tôi đánh các giải bóng chuyền phong trào nên rất hâm mộ. Qua trò chuyện trên lớp cũng như các trang mạng xã hội các em đều bày tỏ mong muốn có một sân chơi bổ ích, lành mạnh sau giờ học nên tôi mới đề xuất xây dựng CLB này”, anh Chung cho biết.
Từ khi thành lập đến nay, CLB bóng chuyền do anh Chung trực tiếp giảng dạy luôn duy trì tập luyện đều đặn vào các buổi chiều thứ 2, 4, 6 (vào mùa hè) và chiều thứ 7, chủ nhật (trong năm học). Lớp hiện có trên 70 học viên là học sinh, sinh viên tham gia. Không những thế, nhiều em học sinh THPT ở các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ cũng đều đặn vào đây học. Em Nguyễn Trần Huyền Trang, sinh viên trường CĐ Y tế Bình Định, chia sẻ: “Em đam mê bóng chuyền từ nhỏ, được các bạn truyền tai nhau lớp học do thầy Chung mở rất hay và bổ ích nên đã đăng ký vào học. Các bài tập, giáo án của thầy về di chuyển, kỹ thuật hình tay, đập bóng, chạy đội hình và nhất là các bài tập thể lực rất khoa học và bài bản nên chỉ trong một thời gian ngắn em thấy sức khỏe, kỹ năng đánh bóng cũng như tâm lý của em đều khá lên rất nhiều”.
Điểm đặc biệt ở lớp học này là anh Chung không thu học phí của học sinh. Nhiều lúc anh còn tự bỏ tiền túi mình ra để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc tập luyện của các em. Ngoài ra, anh cũng chủ động lên mạng tìm các bài tập mới và soạn thành giáo án ở phù hợp để giảng dạy cho các em. Nhờ vậy, nên trong năm 2014 và 2015 đội bóng chuyền nam, nữ của trường lần lượt giành giải Nhất giải bóng chuyền học sinh THPT thành phố Quy Nhơn.
Nói về lớp học của mình, anh Chung chia sẻ: “Mục đích chính của tôi khi mở lớp này không phải là đào tạo VĐV chuyên nghiệp mà nhằm kết nối niềm đam mê bóng chuyền của các em lại với nhau, tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội”.
Hơn 10 năm bắt đầu chơi bóng chuyền phong trào, Chung đã gặt hái rất nhiều giải thưởng quan trọng. Ðặc biệt là 4 chức vô địch danh giá mà VÐV bóng chuyền phong trào nào cũng phải mơ ước. Ðó là giải bóng chuyền nam Hội khỏe Phù Ðổng toàn tỉnh - khối THPT năm 2003; giải bóng chuyền nam Sinh viên toàn quốc- Khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2008; giải bóng chuyền nam ngành Giáo dục Bình Ðịnh năm 2013 và giải bóng chuyền nam Ðại hội TDTT tỉnh năm 2014.
NGUYỄN HỒNG PHÚC