Không khuất phục trước khó khăn
Chị Nguyễn Thị Dư (49 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) là một trong ba đại biểu của tỉnh được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc năm 2016 (tổ chức vào ngày 23.7 tại TP Cần Thơ). Chị Dư nổi tiếng trong cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh bởi tinh thần vượt khó, những hỗ trợ, chia sẻ thiết thực với người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Vượt qua khó khăn đi lại do chân trái bị liệt, chân phải bị bệnh thấp khớp, chị Dư vẫn đang nỗ lực đưa Công ty may Thành Hiệp trở thành nơi nâng bước, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật.
Ít người biết rằng chị Nguyễn Thị Dư sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng với cha, ông đều là liệt sĩ. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Ông nội, cha chị và những người anh em cũng đồng loạt tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cha chị hy sinh năm 1968, khi chị vừa được một tuổi. Mẹ chị một mình nuôi 6 anh chị em, kiên cường tham gia hoạt động cách mạng địa phương. Bà bị địch bắt, bỏ tù. Vì còn nhỏ tuổi, chị Dư phải theo mẹ vào nhà giam. Giữa những năm tháng khổ cực ở chốn lao tù, một cơn sốt bại liệt đã làm hỏng chân trái, biến chị trở thành người khuyết tật.
Giàu nghị lực
Năm 1975, hòa bình lặp lại, chị Dư được cùng mẹ trở về quê hương. Niềm vui lớn nhất với chị là được cùng bạn bè đến trường. Chị Dư kể, không ít lần chị bị ngất xỉu trên đường đi học, phải nhờ bạn cõng về. Nhưng những khó khổ vì đi lại khó khăn, vì thời tiết khắc nghiệt (nắng nóng, mưa lũ) không làm chị chùn bước. Sự kiên cường của chị với việc học được đền đáp vào năm 1989, khi chị chính thức cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế tài chính Nghĩa Bình.
Niềm vui “chẳng tày gang”, chị sớm đối mặt với nỗi thất vọng khi cầm đơn đi xin việc. Cái lắc đầu từ những người tuyển dụng khi nhìn thấy những bước đi khó khăn của chị làm vỡ tan mọi hy vọng về một công việc ổn định, phù hợp với sức khỏe. Nhưng rồi, sức mạnh tinh thần từ gia đình, truyền thống không gục ngã trước khó khăn làm chị mạnh mẽ trở lại. Chị xác định sẽ nắm bắt và nỗ lực với bất kỳ vị trí công việc nào.
Chị được nhận vào làm công nhân ủi tại Xí nghiệp May xuất khẩu Bình Định. Để khẳng định bản thân “tàn nhưng không phế”, chị còn tranh thủ tập may. “Thời đó, phải đến giờ nghỉ trưa mới có máy may trống. Vậy là khi mọi người ngủ trưa, tôi gò lưng tập may. Chẳng bao lâu, tôi thành thạo trong kỹ năng may. Rồi tôi trở thành một thợ may giỏi. Tôi được Xí nghiệp chọn làm tổ trưởng, rồi chuyển qua làm nhân viên phòng kỹ thuật. Được lãnh đạo nhìn nhận về tay nghề, tôi được tạo điều kiện đi học khóa cao đẳng cắt may. Vừa học vừa làm, tôi tốt nghiệp lớp cắt may loại khá”, chị Dư nhớ lại.
Trở thành doanh nhân
Năm 2006, khi đã ổn định gia đình với người chồng giàu cảm thông và 2 cô con gái, chị Dư quyết định ra thành lập Công ty may Thành Hiệp, chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu. Quyết định táo bạo ấy bắt đầu từ giấc mơ được ấp ủ trong nhiều năm liền: tạo việc làm cho những người khuyết tật để họ không phải chịu cảnh phân biệt đối xử như chị một thời.
Được bạn bè là giám đốc Công ty May Trường Thành giúp đỡ, công ty của chị bước đầu có nguồn hàng ổn định để sản xuất. Nhìn lại thành quả của những tháng đầu tiên sản xuất, cả chị và tất cả công nhân (trong đó, hơn 50% là người khuyết tật) vui mừng khôn tả. Nhưng rồi, trận hỏa hoạn tại Chợ lớn Quy Nhơn vào cuối năm 2006 đã thiêu trụi toàn bộ số tiền may gia công cho Công ty May Trường Thành.
Không có thời gian để đau buồn nhiều, chị Dư quyết định vào tận TP Hồ Chí Minh để tìm nguồn hàng mới. Động lực của chị ngày ấy là sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là của công nhân khuyết tật và cả nghị lực bản thân.
Tại TP Hồ Chí Minh, chị may mắn gặp được một người bạn từ thời phổ thông là giám đốc một công ty may hỗ trợ. “Bạn giới thiệu tôi với nhiều bạn hàng. Nghe tôi tâm sự về hoàn cảnh, về mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật, nhiều khách hàng, trong đó có người nước ngoài đã đồng cảm và tạo điều kiện cho tôi những đơn hàng sản xuất. Từ đó, tôi cùng anh em khuyết tật và cả không khuyết tật nỗ lực hoàn thành các đơn hàng đúng thời hạn và chất lượng nhằm tạo nên sự tin cậy của khách hàng”, chị Dư tâm sự.
Cho đến nay, công ty của chị đã tạo việc làm cho 130 lao động, trong đó có hơn 40% lao động là người khuyết tật với mức lương bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị còn tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho tất cả các đối tượng nhằm tạo nguồn nhân lực, giúp nhiều em khuyết tật có cơ hội học nghề và có việc làm.
+ Năm 2009, chị Nguyễn Thị Dư được Bộ LÐ-TB&XH, Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen về những thành tích vượt khó, vươn lên trong lao động, học tập.
+ Năm 2015, chị Dư được Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Huy chương về công tác bảo trợ người khuyết tật.
NGUYỄN MUỘI