Chăm người già: sao cho khéo?
Sinh lão bệnh tử, quy luật cuộc sống là vậy. Người già ốm đau lâu ngày, đi bệnh viện nhiều hơn ở nhà cũng là chuyện thường tình. Vậy nhưng, việc bố trí cắt đặt người chăm sóc đến cách thức chăm sóc người già bị ốm lâu ngày sao cho khoa học, hiệu quả là không đơn giản.
Người già đau ốm luôn cần người túc trực để chăm sóc ăn uống, vệ sinh tại chỗ.
Từ bệnh viện
Bác sĩ CK II Trần Văn Trung, Trưởng khoa Nội Trung cao - BVĐK tỉnh, cho biết, người già thường hay mắc các bệnh cùng một lúc do các cơ quan đã bị lão hóa bởi tuổi cao sức yếu. Các bệnh thường hay mắc phải là tim mạch, tiểu đường, huyết áp, bệnh phổi mãn tính và xương khớp. Mùa nắng nóng gay gắt hay lạnh quá tỉ lệ mắc bệnh thường cao hơn.
Vào thời điểm nóng gay gắt như hiện nay, các phòng khoa Nội Trung cao - BVĐK tỉnh đều đông bệnh nhân. Chấm nước súc miệng, nhẹ nhàng rơ miệng vệ sinh cho người cha đang nằm thiêm thiếp, thở ô xy, một phụ nữ tuổi gần 40 nói: “Cha năm nay đã 84 tuổi rồi, bị bệnh huyết áp cao và tiểu đường. Ông nhập viện chục hôm nay, mấy chị em luân phiên túc trực. Chị dâu nghỉ phép, tôi làm nghề tự do nên thoải mái hơn, vậy mà cũng thấy tất bật lắm. Phải nhờ thêm ông chú vào túc trực hộ”.
Cạnh đó là cụ ông T.S.H. 90 tuổi đang nằm điều trị bệnh tim hơn nửa tháng nay, hoàn cảnh khá đơn chiếc. Cụ H. có hai người con thì một đã mất, một người ở xa lại bận chăm người chồng ốm. Cụ phều phào nói: “Mấy ngày tôi nằm viện, bà nhà tôi năm nay 87 tuổi ở nhà một mình, thành ra đi viện mà lòng chẳng an tâm. Lâu nay vẫn nhờ đứa cháu chạy ra chạy vào, nhưng đợt này tôi bệnh lâu quá, một mình nó lo cũng đuối”.
Có một người nằm viện, cả nhà “méo mặt”. Với người già việc chăm sóc lại càng khó hơn vì phải cần người túc trực để chăm sóc ăn uống, vệ sinh tại chỗ. Nhà đông con, đông cháu thay phiên nhau; nhà neo người gắng gượng được ngày nào hay ngày đó, còn không thì phải thuê người trông nom vào ban ngày để họ đi làm, tối mới vào thay. Hiện nay, tại khoa Nội Trung cao, một số gia đình có người thân đau ốm lâu ngày nhưng không có người nên chọn cách thuê người chăm sóc, trả công ít nhất 200 ngàn đồng /ngày.
Ngoài ra, cũng có gia đình chọn giải pháp nhờ người thân nghỉ làm việc (công việc không ổn định, thường xuyên) để về chăm sóc cha mẹ, ông bà, các thành viên còn lại trong gia đình hùn nhau trả lương, vừa đỡ áy náy với người chăm vừa tin tưởng hơn. Bà Nguyễn Thị Sanh, 80 tuổi, nhà ở KV 6, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, kể chuyện: “Ông nhà tôi đau nặng nằm liệt giường mấy năm nay, tôi giờ chẳng làm được gì. Thuê người chăm cũng không thấy vừa ý, cuối cùng cả nhà bàn để con gái lớn chăm, hàng tháng mỗi người góp lại đưa cho nó 5 triệu đồng. Như vậy, ai cũng thấy thoải mái”.
Đến chăm sóc ở nhà
“Bởi người già thường xuyên bị các loại bệnh trên nên khi khỏe mạnh ở nhà cũng cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vận động hợp lý- bác sĩ Trung khuyên. Chẳng hạn như người bị bệnh tim mạch, huyết áp gia đình nên mua máy đo huyết áp theo dõi hàng ngày, uống thuốc theo chỉ định; thấy có biểu hiện mệt, đau tức ngực, đau đầu chóng mặt cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Nên theo chế độ ăn lạt, ít mắm, muối. Người bị bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết tuần/lần; uống thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nếu dùng thuốc tiêm isullin (điều trị bệnh tiểu đường, dễ gây hạ đường huyết) khi thấy có triệu chứng chóng mặt, lạnh tay chân, toát mồ hôi thì nên nghỉ ngơi, uống nước có pha đường cho khỏe lại.
Ngoài ra, nếu gia đình có điều kiện về kinh tế thì thuê bác sĩ theo dõi sức khỏe cho người già tại gia cũng là một giải pháp hay. Theo bác sĩ Trung, dù mô hình này đang khá phổ biến tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nhưng ở Quy Nhơn tương đối ít, chiếm khoảng 2-3% dân số. Hiện tại, có một vài bác sĩ làm việc tại BVĐK tỉnh đang nhận theo dõi, tư vấn chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại nhà; khi bệnh nhân cần phải có mặt kịp thời. Có bác sĩ thu nhập vài chục triệu đồng/tháng nhờ việc này. Bà Nguyễn Thị Mai, ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Quy Nhơn, cho biết chồng bà tuy không có bác sĩ theo dõi tại nhà hàng tháng, nhưng bà có số điện thoại của một số y tá, bác sĩ quen khi cần có thể gọi họ đến nhà tư vấn, hướng dẫn điều trị bệnh kịp thời, trả tiền từ 300-500 ngàn đồng/lần khám.
Từ thực tế nhu cầu chăm sóc người già hiện nay, bác sĩ Trung cũng cho rằng ngành y tế, bệnh viện cũng nên nghiên cứu, xem xét đến việc mở khóa đào tạo về cách thức chăm sóc sức khỏe người già bị bệnh cho những người có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi thực sự.
THU HÀ
Cách chăm sóc người nằm một chỗ lâu ngày
Ðối với người già nằm lâu do bị tai biến, gia đình nên đặc biệt thường xuyên thay đổi tư thế nằm (nằm nghiêng), tránh nằm một chỗ dễ dẫn đến tình trạng bị loét ở vùng xương cụt, cùi chỏ, gót chân. Ngoài ra, nên để ý đến khâu vệ sinh đường tiểu, thường xuyên theo dõi nước tiểu, nếu thấy có màu bất thường phải đi xét nghiệm, tránh để nhiễm trùng đường tiểu; theo dõi đường hô hấp.
Về chế độ ăn uống, nên cho người bệnh uống nhiều nước, ít nhất là 1,5l nước/ngày. Cho ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả, đồng thời buổi sáng ngủ dậy nên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ để tránh bị táo bón.
Chị Nguyễn Thị Sương, 49 tuổi, quê ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc người tai biến trong gia đình: “Mẹ tôi bị tai biến, chăm sóc mẹ do người em gái ở quê đảm nhận, nhưng do không biết cách chăm nên đã để mẹ bị lở loét ở vùng lưng. Sau khi hỏi kinh nghiệm của một số người, tôi về thử chuyển cách chăm sóc, thường xuyên trở người của mẹ, giữ vệ sinh sạch sẽ các chỗ lở loét, đồng thời cho mẹ ăn các chất nhiều canxi để vết thương mau lành. Sau gần một tháng các vết loét đã gần lành trở lại.
T.H (ghi)