Cường “Ken” với những khung tường sáng tạo
Bên cạnh công việc chuyên môn ở Phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nguyễn Lê Việt Cường (thường gọi là Cường “Ken”, 32 tuổi) còn có niềm yêu thích đặc biệt với tranh tường. Hiện nay ở Quy Nhơn, Cường là họa sĩ trẻ vẽ tranh tường được khách hàng tín nhiệm.
Cường với bức tranh tường - “đơn hàng” đầu tiên (quán cà-phê Cỏ, Quy Nhơn).
Nguyễn Lê Việt Cường tốt nghiệp ngành sư phạm nhạc - họa, trường Cao đẳng Bình Định. Nhiều năm nay, anh chọn lối mỹ thuật ứng dụng: vẽ trang trí trên trang phục (nhiều nhất là áo dài, trang phục văn nghệ), trên đạo cụ văn nghệ, trên các đồ gốm, sứ, đá cuội… Khoảng 4 năm gần đây, Cường mê vẽ tranh tường.
Tôi lặng lẽ vẽ tranh tường như một sự đáp ứng nhu cầu sáng tạo của chính mình - trước khi thị trường có nhu cầu. Không nơi đâu thuận lợi bằng, tường nhà mình là nơi tôi thực hành, xong bức này thì sơn lại để vẽ bức khác, lớp nọ chồng lên lớp kia, Cường chia sẻ.
Năm 2013, Cường có đơn hàng đầu tiên. Sau đó, xu hướng trang trí, làm đẹp, tạo điểm nhấn cho nhà ở gia đình, quán xá bằng tranh tường lan đến Quy Nhơn. Từ đó, Cường vẽ tranh tường cho khoảng 30 nơi khác nhau, chủ yếu là trường mầm non, quán cà-phê, salon làm đẹp và nhà ở gia đình.
Cũng như nhiều họa sĩ, thợ vẽ tranh tường, chất liệu Cường dùng là sơn acrylics, một chất liệu phổ biến trong giới mỹ thuật, có ưu điểm độ bám dính tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhanh khô; mùi dễ chịu, màu sắc đa dạng, bắt mắt. Tùy công năng từng nơi, đặc điểm hay vị trí tường cần trang trí, yêu cầu và gu thẩm mỹ của khách hàng mà Cường thực hiện những bức tranh tường phù hợp.
Theo anh, tranh tường trang trí trong nhà ở, vị trí hầu hết là tường phòng khách, các gia chủ thường yêu cầu những bức phong cảnh, hoa lá nhẹ nhàng, màu sắc không rực rỡ, cầu kỳ mà thiên về nhã nhặn, tinh tế, tạo cảm giác thư thái, yên bình cho ngôi nhà. Trong khi đó, trang trí tranh tường cho quán xá thì cần hiệu quả ấn tượng, nổi bật, khác biệt. Từ những bức tranh tường có diện tích nhỏ hay những bức khổ lớn chiếm trọn trần nhà hoặc nguyên một, hai bên tường, Cường đều vẽ thủ công. Đồ nghề rất đơn giản, chính là màu và cọ, phụ có bút chì và thước kẻ, thêm công cụ hỗ trợ là chiếc thang nếu vẽ trên cao. Cường chẳng vẽ nháp, những bức tranh tự hiện lên hoàn chỉnh trong đầu anh.
“Vẽ tranh tường, nếu vẽ theo mẫu khách đưa sẵn hay mẫu tham khảo trên mạng, dù là ngang kích cỡ hay phóng lớn, thu nhỏ - theo tôi đều không quá khó. Chỉ cần thợ chép tranh vẽ sao thật giống và có hồn. Kiểu này không “đã” bằng vẽ những bức tranh tường mình tự nghĩ ra hoặc giữa mình và khách cùng gặp gỡ, tâm đắc nhau về ý tưởng. Sau vài năm vẽ tranh tường, mình muốn đi hẳn trên lối này dù biết như thế là tự làm khó mình, khách hàng có thể sẽ ít hơn” - Cường cho biết.
Tôi gặp Cường khi anh đang thực hiện một bức tranh tường khổ lớn theo tinh thần này, tại quán cà-phê Friendship (đường Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn). Chủ quán, chị Trang Nguyễn Phương Thảo cho biết: Ngay sau khi tôi trình bày ý tưởng, Cường đã cụ thể hóa đề nghị của tôi bằng những phác thảo rất tốt. Với những tranh tường hàng đặt như thế, anh ấy có thói quen làm việc một mình, thời gian vẽ tập trung, hiệu quả nhất là vào đêm khuya đến sáng sớm. Tôi biết điều này nên mấy ngày qua tôi giao quán để Cường vẽ”.
Cường không “khoái” chép tranh mẫu mà luôn tự mình nghĩ ra những bức tranh mới, cách “tự mình làm khó mình” đã dẫn anh đến với những khung tường rất nhiều sáng tạo.
SAO LY