Vụ dân lấn chiếm đất khu vực giáp ranh giữa Vĩnh Thạnh với thị xã An Khê:
Hai địa phương phối hợp kiên quyết xử lý, thu hồi đất
Thời gian qua, một số hộ dân ở thị xã An Khê (Gia Lai) lấn chiếm đất đai, phá rừng phòng hộ tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh để trồng cây lâm nghiệp, gây nên tình trạng tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài. Vừa qua, 2 địa phương đã phối hợp đưa ra biện pháp xử lý và thu hồi đất lấn chiếm.
Nhiều diện tích rừng trồng ở tiểu khu 210B (khu vực rừng giáp ranh giữa xã Vĩnh Thuận và xã Tú An) do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý bị chặt phá, lấn chiếm đất để trồng mì.
Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, các hộ dân ở các xã Cửu An, Xuân An, Tú An (thị xã An Khê) đã lấn chiếm đất rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh với diện tích 888,19 ha; trong đó, có 5,9 ha rừng tự nhiên bị chặt phá trái pháp luật trong năm 2014 và năm 2015; 329,11 ha rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và 162,71 ha rừng trồng của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh. Liên quan đến vấn đề này, báo Bình Định số ra ngày 21.12.2015 đã có bài viết “Dân lấn chiếm đất sản xuất, rừng phòng hộ khu vực giáp ranh giữa Vĩnh Thạnh với thị xã An Khê: Phải xử lý nghiêm, triệt để”.
Qua báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh, ngày 4.7.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp giải quyết việc lấn chiếm đất đai nói trên. Chủ tịch Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: Phần diện tích 403 ha hiện bị một số hộ dân của các xã Tú An, Xuân An, Cửu An (thị xã An Khê) đã khai hoang, xâm canh sản xuất từ lâu và hiện đang canh tác thì trước mắt không xem xét xử lý và tạm thời cho các hộ này tiếp tục sử dụng, sau khi UBND tỉnh làm việc với tỉnh Gia Lai sẽ chỉ đạo xử lý cụ thể. Đối với phần diện tích 437 ha của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn hiện bị một số hộ dân lấn chiếm 329,11 ha, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Vĩnh Thạnh thành lập tổ công tác gồm các ngành chức năng của huyện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tiến hành thống kê các trường hợp lấn chiếm đất; tổ chức tuyên truyền và yêu cầu các hộ này tự giác nhổ bỏ cây trồng, hộ nào không chấp hành thì cưỡng chế nhổ bỏ. Đối với phần diện tích 162,7 ha thuộc phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã bị các hộ dân lấn chiếm, UBND tỉnh sẽ làm việc với UBND tỉnh Gia Lai vào thời gian tới; sau đó, có ý kiến chỉ đạo cụ thể.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hiện nay, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn rà soát, lập danh sách các trường hợp lấn chiếm đất trái phép; đồng thời, đang lên kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó, lưu ý 23 trường hợp đã có quyết định xử phạt hành chính trước đó để chuẩn bị cho việc cưỡng chế nhổ bỏ phần diện tích đã trồng. Dự kiến việc này sẽ được thực hiện trong năm 2016.
Còn ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê (Gia Lai), cho hay: “Thị xã sẽ phối hợp tích cực với UBND huyện Vĩnh Thạnh để thực hiện và giải quyết thỏa đáng thực trạng này. Trước mắt là vận động, tuyên truyền người dân không lấn chiếm đất trái phép; trường hợp nào xâm chiếm, thị xã sẽ yêu cầu họ tự giác nhổ bỏ cây, giao trả đất. Trường hợp không chấp hành thì căn cứ theo quy định của pháp luật để xử lý phù hợp, thích đáng”.
Liên quan về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục nắm tình hình trên địa bàn, nếu nảy sinh phức tạp thì tham mưu cho UBND tỉnh biết để sớm có phương án chỉ đạo kịp thời.
TRỌNG LỢI