Giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức chính trị: Một vài góp ý
Hiện nay, hàng năm có rất nhiều đợt sinh hoạt chính trị được tổ chức tại địa phương, cơ quan nhằm học tập, quán triệt nghị quyết hay cung cấp kiến thức, cập nhật kiến thức cho các đảng viên, quần chúng. Theo tôi, việc làm này là rất cần thiết nhằm tuyên truyền đến đảng viên, quần chúng nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, để mỗi người luôn chấp hành và thực hiện tốt. Tuy nhiên, thông qua việc trực tiếp tham gia các lớp bồi dưỡng cũng như quan sát các lớp học, tôi nhận thấy việc truyền đạt một số nơi vẫn còn mang tính chất một chiều, người học thụ động và không có hứng thú khi tham gia lớp học.
Để những lớp bồi dưỡng chính trị đạt hiệu quả cao, tôi có một vài góp ý:
Báo cáo viên cần chuẩn bị bài thuyết giảng trên phần mềm Microsoft Powerpoint với các ý tóm tắt, ngắn gọn. Hiện nay, các phòng học dành cho những lớp học này có thể dễ dàng sử dụng máy tính, máy chiếu, màn chiếu. Từ bài giảng ngắn gọn, báo cáo viên có thể triển khai, giảng giải và người học cũng dễ dàng hệ thống bài học hơn.
Báo cáo viên cần rời khỏi bục giảng để đến gần người học; thường xuyên đặt câu hỏi để kích thích tư duy, suy nghĩ và trả lời của người học. Chỉ có sự tương tác 2 chiều mới có thể gây hứng thú cho người học và giảm bớt việc học viên làm việc riêng.
Trong quá trình truyền đạt, một số báo cáo viên chỉ đọc lại những nội dung, thông tin đã có trong tài liệu. Điều này không cần thiết, thay vì vậy, báo cáo viên nên liên hệ thực tế về tình hình địa phương để có thể gây chú ý với người học.
Việc ra đề kiểm tra cũng như viết bài thu hoạch cũng cần theo hướng mở. Có như vậy mới có thể đánh giá được trình độ lý luận chính trị của từng học viên. Hiện nay, phần lớn câu hỏi thu hoạch mang tính chất chép lại, đối phó để xác nhận có đi học. Với cách kiểm tra này, học viên dù ít quan tâm đến nội dung báo cáo viên trình bày vẫn có thể viết bài kiểm tra và nhận giấy chứng nhận.
NGUYỄN QUỐC VỸ (104 A Trần Phú, Quy Nhơn)