Hoài Sơn tri ân người có công
Xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) là một trong những địa phương có nhiều người có công, đối tượng chính sách nhất tỉnh. Để tri ân những người con quê hương đã anh dũng hy sinh vì nước, xã rất chú trọng chăm lo đời sống, làm ấm lòng người có công với cách mạng và thân nhân.
Cán bộ phụ trách công tác thương binh xã Hoài Sơn thực hiện chi trả chế độ cho người có công và thân nhân.
Nói về công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của xã Hoài Sơn, ông Phan Đình Long, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn nhận định: “Hoài Sơn luôn thuộc nhóm dẫn đầu về công tác này. Với 2.820 đối tượng, Hoài Sơn là xã có nhiều người có công nhất huyện Hoài Nhơn. Dù vậy, việc giải quyết và thực hiện các chế độ, chính sách, hỗ trợ đối tượng xác lập hồ sơ luôn nhanh chóng, đúng, đủ”.
1.
Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã, việc thực hiện các chế độ chính sách kịp thời, đảm bảo tính chính xác là một trong những cách địa phương đền đáp sự hy sinh, mất mát của người có công (NCC) và gia đình họ. Đó cũng là cách để chính sách ưu đãi NCC với cách mạng của Nhà nước đến gần hơn với đối tượng, tạo lập niềm tin giữa nhân dân với chính quyền.
Mỗi tháng, có khoảng 1.400 NCC của xã được hưởng chế độ chính sách của nhà nước với mức chi trả hơn 1,8 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, xã đã lập hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Độc Lập cho 28 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có nhiều con là liệt sĩ; xét và lập hồ sơ truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 3 mẹ. Cũng trong nửa đầu năm 2016, đã có 262 đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe; trong đó, 35 người đi điều dưỡng tập trung, 227 người được điều dưỡng tại gia đình. Các chế độ khác như: cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; trợ cấp dụng cụ chỉnh hình - phục hồi chức năng; hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho con em NCC đang đi học ở các khối giáo dục và đào tạo; hỗ trợ mai táng phí, luôn được đảm bảo kịp thời.
UBND xã đang triển khai trùng tu, xây mới lại một số hạng mục như: tường rào, lối đi nội bộ, bồn hoa, tại nghĩa trang liệt sĩ xã với tổng kinh phí khoảng 180 triệu đồng, giúp bộ mặt “ngôi nhà chung” của liệt sĩ thêm khang trang, tươm tất. Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Sơn đang có 571 phần mộ; trong đó, có 114 phần mộ đủ thông tin, 236 phần mộ có một phần thông tin, 221 phần mộ không có thông tin. 6 tháng đầu năm, xã đã quy tập thêm 1 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang.
Công tác chăm lo nhà ở cho đối tượng chính sách cũng được Hoài Sơn chú trọng. Từ năm 2013 đến nay, Hoài Sơn tích cực giới thiệu hỗ trợ nhà ở cho 62 người có công và thân nhân người có công. Đầu năm 2016, hộ bà Trần Thị Trích (65 tuổi, ở thôn An Đỗ), thuộc diện con liệt sĩ có nhà ở xuống cấp, được địa phương chọn và giới thiệu lên Phòng LĐ-TB&XH huyện và được một nhà tài trợ ở TP Đà Nẵng hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới lại căn nhà. Hiện nay, căn nhà đã hoàn tất phần khung và mái, bước vào giai đoạn đóng nền, lát gạch, sơn tường.
Chị Nguyễn Thị Xin (36 tuổi, con gái bà Trích) cho biết: “Nhờ khoản hỗ trợ mà gia đình tôi mạnh dạn triển khai xây nhà. Để giảm bớt tiền công, vợ chồng tôi cũng thay phiên nhau làm thợ phụ. Mẹ tôi vì mắt đã bị lòa nên không thể tham gia vào việc này”.
2.
Vốn là vùng căn cứ cách mạng trọng yếu, xã Hoài Sơn gắn liền với những trận đánh hào hùng. Để khắc ghi niềm tự hào trong lòng thế hệ tương lai, sau tượng đài ngọn đuốc tại Di tích vụ thảm sát Ngã Ba Đình, xã Hoài Sơn đang triển khai xây dựng thiết kế tượng đài tại Khu di tích lịch sử Trận tập kích Trụ sở Ngụy quyền xã Hoài Sơn năm 1961. Ngày 13.7 vừa qua, mô hình tượng đài của Khu di tích đã về đến UBND xã và sẽ được tổ chức lấy ý kiến trước cán bộ, nhân dân địa phương.
“Chiến thắng tại Trận tập kích Trụ sở Ngụy quyền năm 1961 có tiếng vang lớn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị trên địa bàn huyện Hoài Nhơn. Để xây dựng được khu di tích quy mô, tương xứng với tính lịch sử của chiến thắng này, UBND xác định là phải đầu tư theo từng bước. Trước mắt, xã đã xin phép đầu tư vào 2 hạng mục: san nền, quy hoạch mặt bằng tổng thể với kinh phí dự kiến 658 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa”, ông Thạch chia sẻ.
NGUYỄN MUỘI