Phục dựng vở tuồng Tam hùng kiệt
Tối 19.7, Nhà hát Tuồng Đào Tấn (NHTĐT) tổ chức biểu diễn tổng duyệt vở tuồng Tam hùng kiệt của tác giả - cố NSƯT Hoàng Chinh sau gần một tháng phục dựng. Đây là vở tuồng rất ăn khách mỗi khi đi biểu diễn, song thời gian qua bị gián đoạn bởi một số diễn viên thủ các vai quan trọng chia tay sân khấu…
Không còn mang “số phận” khuyết danh, tác giả của vở Tam hùng kiệt đến nay đã được xác định là cố NSƯT Hoàng Chinh - nghệ sĩ đầu bảng trong Tứ đại danh ca Bình Định (Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá và Ngọc Cầm).
Bên cạnh ngợi ca những tấm gương trung thần, vở tuồng Tam hùng kiệt còn khiến khán giả mê mẩn bởi nội dung xoay quanh chữ “tình”.
- Trong ảnh: Công chúa Kim Hương (Thu Thẳm đóng) chết, hóa ngọn đuốc soi đường, đồng hành cùng chồng (Đức Thành - vai Lữ Thiên Tường) trên đường binh đao khổ ải.
Vở tuồng hấp dẫn của tác giả Bình Định
Mượn chuyện dã sử, Tam hùng kiệt kể về cuộc chiến giữa hai phe đối lập: một bên là phò vua giúp nước, nhất mực trung thành; bên kia là nịnh thần tặc tử, mưu đồ cướp ngôi.
Nội dung vở tuồng có thể được tóm tắt như sau: Lữ Thiên Tường đỗ Trạng nguyên, được nhà vua gả con gái là công chúa Kim Hương. Trong lúc vua lâm bệnh, lại hay tin quân Phiên kéo qua xâm lược, Thiên Tường đích thân khởi binh đánh giặc. Lữ Vạn An - em trai của Thiên Tường - xin đi theo giúp sức cho anh. Khi anh em Thiên Tường ra chiến trường, thừa lúc vua vừa băng hà, Thái sư Mã Kiệt cùng con rể là Diệm Thiên Hùng tạo phản, bức hại công thần, toan tính cướp ngôi. Công chúa Kim Hương đem ngọc ấn chạy ra Đồng Quan tìm chồng để báo tin. Trên đường đi, Kim Hương bị Thiên Hùng đuổi đánh, cướp ngọc ấn và giết chết. Sau đó, hắn đem xác công chúa ra chiến trận khiêu khích anh em Thiên Tường để báo thù vì những hiềm khích trước đây.
Vạn An thấy xác chị dâu bị quân phản tặc đem ra nhử dụ thì cải trang và lợi dụng cuộc hỗn chiến trong đêm để cướp xác về. Thấy xác vợ, Thiên Tường đau đớn, đào huyệt chôn cất vợ mình, căm phản tặc. Vừa lúc đó, quân của Thiên Hùng kéo đến. Anh em Thiên Tường bị truy đuổi nên thất lạc nhau. Thiên Tường lạc giữa chốn rừng sâu, không biết lối ra. Đang trong cơn tuyệt vọng, hồn công chúa Kim Hương hiện lên soi lối dẫn đường cho chàng vượt qua núi đèo hiểm trở. Tình nghĩa vợ chồng tuy âm dương cách biệt nhưng vẫn lưu luyến, vương vấn khôn nguôi.
Còn về phần Vạn An, chàng chạy đến Nam Quan và gặp Diệm Cửu Công - cha của Thiên Hùng - đang trấn ải nơi đây. Từ ngày con trai đi ứng cử khoa trường, ông không có tin tức gì của con mình nữa. Trái ngược với con trai là một tên loạn thần tặc tử, Diệm Cửu Công là bậc trung thần dốc lòng vì nước, ông đã giữ Vạn An ở lại, chiêu binh mãi mã, với ý định phò vua dựng lại cơ đồ. Vạn An và Nguyệt Nga - con gái Diệm Cửu Công - mến thương nhau nên Cửu Công đã tác hợp cho hai người nên duyên chồng vợ.
Sau khi tập hợp được binh hùng tướng mạnh, anh em Thiên Tường cùng Diệm Cửu Công đem binh khiêu chiến với Thiên Hùng. Thắng trận, bắt sống được Thiên Hùng, Diệm Cửu Công đã đem con mình ra xét xử trước tướng sĩ. Mặc cho Thiên Hùng hết lời ngụy biện, van xin và hứa hẹn hối cải, Cửu Công vẫn buộc Thiên Hùng phải tự sát theo lời thề, để đền những tội ác hắn đã gây ra.
Tam hùng kiệt có nội dung cốt truyện giống với tuồng cổ, cũng xoay quanh những đề tài quân quốc, nhưng phong cách nghệ thuật đã được tiểu thuyết hóa, dễ đi vào lòng người. Ở vở tuồng này, ta gặp nhiều tình tiết thường thấy ở các vở tuồng cổ mẫu mực, như cảnh hồn công chúa Kim Hương hóa thành ngọn đèn soi đường cho phò mã Thiên Tường vượt qua núi cao non thẳm; hay Diệm Cửu Công vì lý tưởng trung quân mà sẵn sàng hy sinh cả tình nghĩa cha con.
Tuy thế, chất tiểu thuyết của vở tuồng này rất rõ, bởi lẽ nó đã phá vỡ mô típ khuôn vàng thước ngọc, lối diễn nặng về trình thức vũ đạo và nói lối trong tuồng cổ; thay vào đó là các làn điệu tán xuân nữ ngọt ngào, phóng khoáng đóng vai trò chủ đạo...
Dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã thực hiện tốt trách nhiệm kế thừa biểu diễn vở Tam hùng kiệt.
- Trong ảnh: Thái Phiên (vai Lữ Vạn An) và Thanh Vân (vai Diệm Nguyệt Nga).
Trao truyền cho lớp diễn viên trẻ
Năm 1988, Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng lần đầu vở Tam hùng kiệt. Những nghệ sĩ thế hệ bấy giờ đã thể hiện rất thành công như Lệ Quyên (vai công chúa Kim Hương), Ngọc Hân (Diệm Thiên Hùng), Minh Ngọc (Lữ Thiên Tường), Hoàng Việt (Lữ Vạn An)… Trong kịch mục của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Tam hùng kiệt luôn được khán giả yêu cầu nhiều nhất.
Khi hai diễn viên trụ cột của vở giã từ sân khấu (diễn viên Lệ Quyên nghỉ hưu sớm vì bệnh, nghệ sĩ Ngọc Hân qua đời do bệnh nặng), một số diễn viên thủ các vai khác tuổi cũng khá cao, không phù hợp để đảm nhiệm các nhân vật hầu hết là trẻ của vở nữa. Một thời gian dài, Tam hùng kiệt vắng bóng trên sân khấu.
“Mục đích dàn dựng Tam hùng kiệt lần này để sớm đưa một vở diễn ăn khách trở lại sân khấu và truyền vở, truyền vai cho lớp diễn viên trẻ. Nội dung vở diễn không thay đổi gì. Toàn bộ diễn viên thủ vai đều là diễn viên trẻ, trên dưới 30 tuổi, lần đầu vào vở, làm vai. Rất mừng là các em đều cố gắng lĩnh hội và thể hiện được những tinh hoa của vở diễn” - NSND Minh Ngọc, Phó Trưởng đoàn biểu diễn phụ trách nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, thành viên ê-kip dàn dựng vở, cho biết.
SAO LY
Theo nghệ sĩ Hoàng Việt (con trai NSƯT Hoàng Chinh) - đại diện cho gia đình tác giả đảm nhiệm biên tập, biên kịch vở tuồng trong lần phục dựng này - Tam hùng kiệt được cha ông viết trước năm 1960, sau đó được nhanh chóng dàn dựng thành vở diễn. “Vở diễn tập trung dàn diễn viên thuộc hàng danh ca của đoàn tuồng Ý hiệp miền Trung nổi tiếng thời bấy giờ như Hoàng Chinh, Hồng Thu, Long Trọng, Tư Cá…; diễn lần đầu ở sân khấu Đập Đá và ngay lập tức gây cơn sốt. Đó là giai đoạn cải lương miền Nam tràn về Bình Định, có phần lấn át tuồng và tuồng đứng trước yêu cầu phải đổi mới mình để đáp ứng thị hiếu, lấy lại vị thế trong lòng khán giả. Tam hùng kiệt tiêu biểu cho phong cách tuồng đồ pha tuồng tiểu thuyết, cũng lấy đề tài quân quốc, vua băng nịnh tiếm, ca ngợi hai chữ trung, hiếu song có pha yếu tố tiểu thuyết nên mềm mại, thu hút người xem….”.