Thu kinh phí công đoàn: Doanh nghiệp chây ì, cơ quan chức năng khó xử phạt
Tuy cơ chế xử phạt đã có, nhưng chưa có quy định cơ quan nào đứng ra xử phạt dẫn đến việc các doanh nghiệp (DN) trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh hiện nay không chịu nộp kinh phí công đoàn (KPCĐ).
Chế biến gỗ tại KCN Phú Tài.
Công đoàn (CĐ) Khu kinh tế tỉnh hiện đang quản lý 83 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với trên 5.000 đoàn viên. Ngoài ra, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh cũng có trên 40 DN chưa có tổ chức CĐ. Tuy nhiên, việc thu KPCĐ của CĐ Khu Kinh tế tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do các DN, đặc biệt là các DN sản xuất gỗ, đều không chịu nộp.
Theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì đối tượng đóng KPCĐ là cơ quan, tổ chức, DN không phân biệt đã có hay chưa có tổ chức CĐCS. Mức đóng phí CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.
Thống kê của CĐ Khu kinh tế tỉnh, đến hết tháng 6.2016, trên địa bàn tỉnh có 27 DN có tổ chức CĐ chưa đóng KPCĐ đầy đủ, trong đó có 20 DN từ khi thành lập đến nay vẫn chưa nộp KPCĐ. Điển hình như Công ty Cổ phần Kỹ nghệ nghệ gỗ Tiến Đạt từ năm 2013 đến năm 2015 không nộp KPCĐ với số tiền trên 620 triệu đồng. Công ty TNHH Hoàng Hưng cũng nợ trên 370 triệu tiền KPCĐ từ năm 2013 đến 2015. Đây đều là những DN sản xuất gỗ lớn trong tỉnh và thời gian gần đây làm ăn tương đối hiệu quả.
Thậm chí, một số DN còn lách luật khi khách hàng yêu cầu phải có chứng từ về việc đã đóng KPCĐ thì mới ký hợp đồng, thì các DN chỉ nộp một phần tượng trưng KPCĐ để lấy phiếu thu giao cho khách hàng.
Một bất cập nữa khiến cho việc thu KPCĐ gặp rất nhiều khó khăn là đối tượng đóng BHXH mà cũng là căn cứ để quy định mức tiền đóng KPCĐ là công nhân, lao động phải được ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Nhưng hiện nay đa số các DN đều thuê lao động hợp đồng theo thời vụ nhất định. Điều nay vô tình đã làm mất đi quyền lợi của người lao động cũng như gây thất thoát quỹ BHXH và KPCĐ.
Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ ngày 25.11.2015 thì, người sử dụng lao động chậm đóng KPCĐ, hoặc đóng KPCĐ không đúng mức quy định, hoặc đóng KPCĐ không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng thì bị phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng KPCĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính (tối đa không quá 75 triệu đồng). Trường hợp người sử dụng lao động không đóng KPCĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng (tối đa không quá 75 triệu đồng).
Tuy nhiên cái khó hiện nay là tuy chế tài xử phạt đã có nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn, chỉ ra cơ quan, hay tổ chức nào được quyền xử phạt và số tiền xử phạt sẽ do ai quản lý.
Ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch Thường trực CĐ Khu Kinh tế tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã làm đủ mọi cách, từ xuống cơ sở vận động, thuyết phục, cho đến gửi công văn nhắc nhở, đôn đốc các DN nộp KPCĐ nhưng họ vẫn cứ chây ì, không chịu nộp. Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa có đủ chức năng để xử phạt nên các DN đâu có sợ. Có DN ban đầu thực hiện đầy đủ, sau thấy các DN không nộp cũng không sao nên cũng không nộp luôn”.
Ông Chín nói, muốn giải quyết tình trạng này thì các cơ quan chức năng cần quy định rõ cơ quan nào đứng ra xử phạt DN không nộp KPCĐ và phân định rõ ràng hệ thống quản lý trong CĐ để khỏi chồng chéo, CĐ các DN trong các khu kinh tế, khu công nghiệp phải trực thuộc CĐ Khu Kinh tế tỉnh.
NGUYỄN HỒNG PHÚC