Nỗ lực kiểm soát tai nạn thương tích trẻ em
Tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em là mối quan tâm đặc biệt trong công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em. Với mục tiêu kiểm soát tình hình TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Thị Vinh Hương, để đạt mục tiêu đó, Chương trình Phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 tập trung vào 7 nội dung chính. Đầu tiên là truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội; nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể.
Tiểu phẩm “Giấc mơ của mẹ” của huyện Tuy Phước về chủ đề phòng đuối nước trẻ em tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2016.
Các nội dung tiếp theo là xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT trẻ em; phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em. Nội dung cuối cùng là xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về phòng, chống TNTT trẻ em.
Có thể nói, đây là chương trình liên ngành, bao quát hết các vấn đề để góp phần giảm tỉ lệ phòng, chống TNTT ở trẻ em.
* Được UBND tỉnh giao là “chủ công” trong quá trình triển khai Chương trình, Sở LĐ-TB&XH sẽ có những giải pháp cụ thể nào để đảm bảo hiệu quả của Chương trình, thưa bà?
- Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước và tai nạn giao thông ở trẻ em.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng, chống TNTT trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, như Đài PT-TH tỉnh, Báo Bình Định, website, bản tin của ngành; phát hành các tờ rơi, pa-nô, áp-phích tuyên truyền… Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục triển khai các mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn chống TNTT trẻ em cũng như triển khai các nội dung của Chương trình do các ngành, địa phương chủ trì thực hiện.
Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT cho chính trẻ em và đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và kinh phí tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em; chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao tặng mũ bảo hiểm, cặp phao cứu sinh cho trẻ em.
Một hồ bơi tư nhân ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn.
* Lâu nay, đuối nước ở trẻ em vẫn là nỗi nhức nhối, trong khi hoạt động dạy bơi cho trẻ em còn nhiều trở ngại, nhất là thiếu hồ bơi. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh một số cách làm hiệu quả trong việc xây dựng hồ bơi với chi phí thấp. Theo bà, những cách làm này có thể áp dụng ở Bình Định?
- Ở tỉnh ta, trẻ em bị tử vong do đuối nước vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số trẻ em bị tử vong do TNTT. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em như thiên tai lũ lụt, sự chủ quan của người lớn, nhưng một phần cũng vì các em không biết bơi cũng như các kỹ năng sơ cấp cứu khi đuối nước.
Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình Phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020: Giảm tỉ suất trẻ bị TNTT xuống còn 600/100.000 trẻ em; giảm tỉ lệ trẻ em bị tử vong do TNTT xuống còn 17/100.000 trẻ em; giảm 25% số trẻ tử vong do TNGT đường bộ và 6% số trẻ tử vong do đuối nước so với năm 2015; phấn đấu có 2.000 trẻ được học bơi và trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước…
Trên thực tế, nhu cầu học bơi ở trẻ em rất lớn, trong khi đó trên địa bàn tỉnh ta có rất ít hồ bơi, chỉ có một số huyện có hồ bơi tư nhân như Tuy Phước, Hoài Ân, Hoài Nhơn. Ở TP Quy Nhơn thì hồ bơi tập trung ở các khách sạn lớn, thu phí cao và rất đông đối tượng đến dạy và học bơi, chưa kể du khách.
Hiện nay, để xây dựng một hồ bơi, chưa tính quỹ đất, chi phí tối thiểu từ 300 - 500 triệu đồng/hồ. Một số tỉnh đã triển khai mô hình hồ bơi di động làm từ bạt nhựa hoặc composite. Hồ bơi dạng này có ưu điểm là có thể di chuyển và chi phí thấp hơn hồ bơi cố định nhưng vẫn còn cao so với nguồn ngân sách của tỉnh dành cho công tác phòng chống TNTT trẻ em. Bên cạnh đó, chi phí quản lý, vận hành, bảo dưỡng hồ bơi di động cũng còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với các ngành, địa phương khảo sát, tìm hiểu mô hình này.
Đồng thời, chúng tôi rất mong muốn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các bể bơi dành cho trẻ em, góp phần hạn chế tình trạng đuối nước.
* Xin cảm ơn bà.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)