85 năm “cờ phất phới Tài Lương…”
Cách đây tròn 85 năm, một cuộc biểu tình lịch sử đã diễn ra tại cây số 7 Tài Lương (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn). Dù bị địch đàn áp đẫm máu nhưng cuộc biểu tình đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định đánh giá sự kiện này: “Tiêu biểu cho khí thế đấu tranh của công nông Bình Định trong cao trào 1930 -1931”.
Thực hiện chủ trương ủng hộ và đoàn kết với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cùng phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi của Xứ ủy Trung Kỳ, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn đã tổ chức quần chúng xuống đường đấu tranh với quy mô lớn. Cuộc biểu tình lịch sử diễn ra vào đêm 22 rạng 23.7.1931, tại cây số 7 Tài Lương.
Sự kiện lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng
Cuộc biểu tình diễn ra dưới sự hỗ trợ của lực lượng Tự vệ đỏ, thu hút hơn 3.000 người tham gia. Đoàn biểu tình đi đến đâu đều trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt trụi các điếm canh; bắt 2 tên chánh tổng làng Vân Sơn và Trung Yên, đốt cháy 2 ô tô của đồn lính khố xanh Bồng Sơn…
Khu di tích cây số 7 Tài Lương sẽ được đầu tư xây dựng các công trình tôn tạo.
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hoài Nhơn 1930 -1975, đoàn biểu tình gồm nhiều cánh từ các xã phía Bắc của huyện tập hợp lại, tiến về phủ đường Bồng Sơn. Trong đó, cánh biểu tình gồm nhân dân các làng Cửu Lợi, An Thái, Tăng Long, Đại Hóa, Trung Trinh, Bình Minh, Trường An, Lộc An, Háo Thiện… do đồng chí Huỳnh Triếp chỉ huy, tập trung tại cầu Ông Rải (An Thái, Tam Quan). Khi cánh này tiến đến thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, thì gặp đội lính khố xanh chặn lại và chĩa súng uy hiếp. Vậy nhưng, họ vẫn hiên ngang tiến lên, hô vang các khẩu hiệu. Địch bắn xối xả vào đoàn biểu tình. Đồng chí Võ Tế (thôn An Thái) và đồng chí Huỳnh Đôn Mậu (thôn Đại Hóa) hi sinh tại chỗ; hai đồng chí Đinh Thứ và Lê Quyết (thôn An Thái) bị thương nặng, sau đó hi sinh. Tên tri phủ Nguyễn Khoa Nghi xông đến, chỉ tay ra lệnh quân lính bắt đồng chí Huỳnh Triếp nhưng không được, bởi đông đảo người dân đã nhất loạt sát cánh bảo vệ đồng chí Triếp và hét vang: “Nếu bắt thì bắt cả đi”…
Cuộc biểu tình bị địch khủng bố gây cho ta nhiều tổn thất. 13 đảng viên và quần chúng hi sinh; nhiều cán bộ, đảng viên bị kết án tử hình, tù chung thân hay lưu đày tại các nhà lao; hàng trăm người dân bị giam cầm. Tuy nhiên, cuộc biểu tình cũng để lại những kinh nghiệm và bài học quý về công tác phát động quần chúng, tổ chức lực lượng… Đồng thời, qua phong trào đấu tranh trực diện với địch, đội ngũ đảng viên được “thử lửa” để tôi luyện, hình thành một lớp cán bộ cốt cán tiêu biểu cho thế hệ chiến sĩ cách mạng mới của nhân dân Hoài Nhơn, cũng như trong toàn tỉnh. “Oai chiến sĩ đùng đùng như sấm chớp/ Trống vang lừng Cự Lễ, Thành Sơn/ Cờ phất phới Tài Lương, An Thái/ Khí hào hùng vùn vụt tựa phong ba”… những dòng thơ ca ngợi khí thế của cuộc biểu tình vẫn lưu truyền cho hậu thế.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, đánh giá: “Tuy bị đàn áp đẫm máu, song cuộc biểu tình tại Tài Lương - Hoài Nhơn là đòn tiến công quyết liệt, làm lung lay bộ máy chính quyền cơ sở của địch, khẳng định sự lớn mạnh của Đảng bộ và của phong trào cách mạng huyện Hoài Nhơn. Đây không chỉ là sự kiện lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Bình Định mà còn đối với phong trào cách mạng của khu vực miền Trung lúc bấy giờ”.
Xây dựng khu di tích xứng tầm lịch sử
Ngày 26.1.2011, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 323 xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. Những năm qua, các đoàn “về nguồn” với vùng đất lịch sử này đều có chung xúc động khi được nghe kể lại, rạng sáng 23.7.1931, lúc đoàn biểu tình kéo đến cây số 7 ở Tài Lương thì bị binh lính địch chặn lại. Chúng xông vào giật lá cờ đỏ búa liềm, băng rôn và buộc đoàn biểu tình giải tán. Các đồng chí Trịnh Khánh (thôn Tường Sơn), Nguyễn Hằng (thôn Liễu An), Ngô Lạc (thôn Phú Nông) và Đoàn Tính (thôn Túy Thạnh) đã hi sinh ngay từ loạt đạn đầu. Đồng chí Huỳnh Lịch - người cầm cờ dẫn đầu - và đồng chí Trần Địch (thôn Háo Thiện) bị thương nặng, sau đó hi sinh. Khi xông vào giành lại cờ, đồng chí Nguyễn An bị địch bắn làm mất một mắt, nhiều quần chúng khác bị thương…
Sáng nay (23.7), tại huyện Hoài Nhơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Huyện ủy Hoài Nhơn tổ chức Hội thảo khoa học về Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. Tham gia hội thảo, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh sẽ phân tích, đánh giá về vai trò của sự kiện lịch sử này.
Chiều nay, tại khu di tích cây số 7 Tài Lương, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ huyện Hoài Nhơn sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 85 năm Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1931.
Sau khi di tích cây số 7 Tài Lương được xếp hạng di tích cấp quốc gia, UBND tỉnh có tờ trình đề nghị và được Bộ VH-TT &DL thỏa thuận chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng di tích Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích, với tổng diện tích quy hoạch 2,54 ha, với các hạng mục dự kiến như quảng trường - sân sinh hoạt cộng đồng, cụm tượng đài, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày…
Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Khu đất xây dựng các công trình di tích cây số 7 Tài Lương đã được quy hoạch. Hiện UBND huyện Hoài Nhơn đang phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến các bước để trình quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Trong tương lai, khi hoàn thành, đây sẽ là công trình trang trọng tôn vinh sự nghiệp đấu tranh cách mạng của ông cha; qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.
HOÀI THU