Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII:
Nhận rõ hạn chế để khắc phục, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại buổi giải trình, trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh về tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, diễn ra sáng 22.7.
Mở đầu phiên giải trình, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhìn nhận: Các ĐB HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến tham gia vào các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh rất sâu sắc, xác đáng, đầy trách nhiệm để làm rõ thêm những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, yếu kém; đưa ra các giải pháp để UBND tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu 6 tháng cuối năm 2016 mà HĐND tỉnh thông qua.
Quang cảnh kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: VĂN LƯU
Xây dựng nông thôn mới: Không để gánh nặng cho dân
Trước những băn khoăn của các ĐB HĐND tỉnh về tình hình sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, tuy triển khai sản xuất trong điều kiện khó khăn do nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới, nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với nỗ lực của ngành Nông nghiệp và nông dân nên tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh đạt 4,49% là khá cao (kế hoạch 6 tháng đầu năm là 4%, cả năm là 3,5%); trong khi 6 tháng đầu năm, lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp của cả nước là tăng trưởng âm. Đáng mừng là trồng trọt và chăn nuôi tăng trưởng cao, giá gia súc, gia cầm thịt ổn định; dịch bệnh không xảy ra, và đã xuất hiện một số mô hình sản xuất mới. “Đây là nỗ lực rất lớn, là thành quả đáng trân trọng” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Ghi nhận các ý kiến về những bất cập hiện nay trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, tỉnh ý thức rõ và rất kiên quyết trong việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới không để gánh nặng cho dân, không được chi quá mức, không để nợ đến mức không cân đối được. “Bình Định có 18/28 xã nông thôn mới không nợ; 10 xã nợ tổng cộng 54 tỉ đồng. Xã nợ nhiều nhất là Nhơn Phúc (TX An Nhơn), nợ 8 tỉ đồng” - ông Dũng thông tin thêm.
Giải trình về tình trạng phá rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, đây là vấn đề bức xúc vì chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có 147 vụ phá rừng, một số vụ nghiêm trọng ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Vân Canh. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã họp chỉ đạo kiên quyết và đưa ra một số giải pháp: Trước mắt, nơi nào có tình trạng lấn chiếm rừng để làm nương rẫy thì kiên quyết nhổ bỏ cây cối trên đó, trồng sai đến đâu nhổ đến đó, tránh để lúng túng trong xử lý như đã từng xảy ra (khởi tố vụ án, bị can nhưng người vi phạm kéo đến huyện, đến tỉnh gây áp lực khiến vụ việc kéo dài). Tỉnh đã tập trung xử lý một số vụ điển hình, chuyển hồ sơ 2/10 vụ qua cơ quan điều tra. Các ngành liên quan đang tiến hành kiểm kê, giao rừng cho các cơ quan chức năng, kể cả người dân, để họ quản lý. “Chủ rừng là UBND xã thì “mênh mông” quá, không có trách nhiệm, không lực lượng phương tiện, không đủ điều kiện để quản lý” - ông Dũng nhìn nhận.
Giải đáp kiến nghị của cử tri về những khó khăn trong triển khai Quyết định 48 của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, ông Dũng cho rằng, Bình Định có lượng tàu thuyền rất lớn, số tiền Trung ương hỗ trợ cho ngư dân của tỉnh theo Quyết định 48 chiếm đến 50% tổng số tiền hỗ trợ ngư dân cả nước, nên hồ sơ phải làm chặt chẽ, nếu sơ suất sẽ dẫn đến vi phạm (đã có trường hợp xảy ra và tỉnh sẽ chấn chỉnh). Đó là lý do từ khâu lập hồ sơ đến khâu xét duyệt kéo dài, nhằm hỗ trợ đúng đối tượng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng giải trình những vấn đề mà các ĐB HĐND tỉnh ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: VĂN LƯU
Về ý kiến tiến độ giải ngân cho ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ chậm, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng lý giải là ngân hàng phải cân nhắc kỹ, tránh trường hợp ngư dân vay rồi không trả như đã từng xảy ra. Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh vẫn tiếp thu các ý kiến này nhằm chỉ đạo tốt hơn, giúp ngư dân phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thu hút các dự án lớn, thúc đẩy công nghiệp phát triển
Theo Chủ tịch Hồ Quốc Dũng, để công nghiệp phát triển bền vững, tỉnh đang cố gắng thu hút các dự án lớn (Tập đoàn Hoa Sen vừa có thêm 2 dự án đầu tư vào tỉnh); thu hút các nhà đầu tư từ Nhật Bản, châu Á, châu Âu.
Ông Dũng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và quyết định không thu hút dự án lọc hóa dầu vào Khu kinh tế Nhơn Hội, bởi lâu nay tỉnh theo đuổi dự án này mất rất nhiều thời gian, do đó nhiều cơ hội đã trôi qua. “Hy vọng cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, sẽ thu hút các nhà đầu tư mới vào Khu kinh tế Nhơn Hội” - ông Dũng nói.
Chủ tịch Hồ Quốc Dũng cũng cam kết: “Trong quá trình thu hút đầu tư, sẽ thực hiện nghiêm ngặt vấn đề bảo vệ môi trường; không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà ảnh hưởng đến môi trường, để con cháu gánh chịu. Dự án nào ảnh hưởng đến môi trường, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cân nhắc kỹ”.
Lãnh đạo tỉnh chủ trương thu hút các dự án lớn để thúc đẩy công nghiệp phát triển.
- Trong ảnh: Công nhân Nhà máy ống nhựa Hoa Sen Bình Định - Tập đoàn Hoa Sen (KCN Nhơn Hòa, TX An Nhơn) đang làm việc. Ảnh: N.PHÚC
Về ngành du lịch, Chủ tịch tỉnh đồng tình với ý kiến của các ĐB cho rằng, còn rất nhiều việc cần chấn chỉnh kịp thời như vệ sinh môi trường, tàu thuyền đưa đón khách, ăn xin, tránh ảnh hưởng lớn đến du lịch. “Tôi đề nghị Sở LĐ-TB&XH xây dựng ngay đề án tập trung người ăn xin, không để thành phố du lịch mà ăn xin tràn lan. Sở GTVT vừa có trách nhiệm kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy, vừa phải xuống tận nơi hướng dẫn người dân đăng ký, đăng kiểm, rồi tập huấn cho dân; giúp dân chứ không làm khó cho dân. Tôi hứa với HĐND tỉnh là sẽ chấn chỉnh, làm tốt điều này, cố gắng xây dựng Quy Nhơn thành thành phố đáng sống”.
Đối với một số dự án triển khai chậm, Chủ tịch UBND tỉnh hứa đến cuối năm 2016 sẽ xử lý các dự án mà ĐB HĐND tỉnh nêu, kiên quyết thu hồi để giao cho nhà đầu tư mới.
NGUYỄN PHÚC
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng:
“Sở, ngành nào làm không được thì mời lãnh đạo sở, ngành đó nghỉ, để người khác làm”
“Những vấn đề mà các ĐB nêu để Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành giải trình là những vấn đề được quan tâm, đang tồn tại, gây bức xúc, nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của tỉnh. Chúng ta nói nhiều lần, có việc giải quyết được, có việc không những không giải quyết được mà còn trầm trọng hơn. Như phá rừng, các đồng chí nói người dân miền núi phá rừng; nhưng tôi từng công tác ở miền núi, thấy bà con ở đó chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước rất tốt. Họ nói, chặt một cái cây như chặt vào chân mình. Chỉ có một số người thôi, số đấy là bảo vệ rừng được khoán và lợi dụng phá rừng. Vấn đề bây giờ là chúng ta quản lý thế nào. Chúng ta có cả hệ thống quản lý mà không quản lý được, để diện tích rừng ngày càng mất dần. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiêm khắc vấn đề này, chứ không phải phá rừng là đổ thừa cho bà con.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng nhận xét, đánh giá việc lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh giải trình, trả lời ý kiến của ĐB tại phiên bế mạc kỳ họp.Ảnh: VĂN LƯU
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang rất bức xúc; khai thác khoáng sản tràn lan, thiếu quản lý, chưa tính hậu quả lâu dài. Sở, ngành nào làm không được thì mời lãnh đạo sở, ngành đó nghỉ, để người khác làm.
Tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy, sử dụng lưới lồng, bơm hút để bắt thủy sản, gây cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường sinh thái nhưng chưa có giải pháp quản lý; tình trạng nợ đọng thuế của các doanh nghiệp; dùng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi, tự mình đầu độc mình… đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết…
Nhà máy chế biến hải sản An Hải nằm ở vị trí rất nhạy cảm, dù xử lý môi trường tốt mấy đi nữa cũng ảnh hưởng đến môi trường. UBND tỉnh phải thu hồi, chuyển sang làm dự án khác, không cho xây dựng nhà máy thủy sản và các nhà máy khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một thành phố du lịch không thể chấp nhận điều này”.
PHẠM PHƯƠNG (lược ghi)