Nhầm lẫn trong y khoa
Vụ Bệnh viện Việt - Đức mổ nhầm chân cho bệnh nhân mà báo chí đăng tải gần đây đã gây xôn xao dư luận. Chuyện là ngày 18.7, anh Trần Văn Thao nhập viện Việt - Đức, được các bác sĩ phát hiện chân trái của anh bị chệch gân và chệch khớp, liệt dây thần kinh chày trước và được chỉ định mổ chuyển gân chày sau. Ngày 19.7, anh Thao được bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình 3 phẫu thuật điều trị chứng liệt cơ ở chân trái.
Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, anh Thao được đưa ra khỏi phòng mổ với 2 chân băng bó. Bệnh nhân kể lại khi tỉnh dậy thấy bị mổ chân phải, anh hỏi thì xác định đã mổ nhầm chân nên bác sĩ vội mổ tiếp chân trái. Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho anh Thao trình bày do một ngày phải thực hiện nhiều ca phẫu thuật dẫn đến nhầm lẫn và do không đọc bệnh án mà chỉ hỏi bệnh nhân rồi mổ ngay.
Trước đó một vụ mổ nhầm tay đã xảy ra tại Bệnh viện 115 Nghệ An. Diễn biến của vụ việc như sau: Ngày 17.2, chị Lê Thị Thương trú tại phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đưa con là Phạm Thành Luân (6 tuổi) bị gãy đầu xương trụ cổ tay phải do ngã đến Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An thăm khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật, nắn xương trụ thẳng lại rồi đóng đinh cố định ở cổ tay phải. Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, bác sĩ hẹn 3 tháng sau đến để tái khám và rút đinh ra.
Ngày 15.6 chị Thương đưa con trở lại Bệnh viện 115 Nghệ An như đã hẹn với bác sĩ nơi đây. Một ca phẫu thuật đã được tiến hành sau đó. Nhưng thay vì mổ tay phải, bác sĩ lại mổ tay trái, đến khi không tìm thấy đinh mới biết là nhầm và mổ lại.
Đối với phần đông công chúng, những trường hợp như trên đây, nếu mới nghe qua thì thật là lạ lùng, khó tin và khó hiểu. Lạ là vì một lỗi lầm như thế lại xảy ra trong ngành nghề có chức năng chính là cứu người, chữa trị người bị bệnh và làm dịu bớt những cơn đau thể xác và tinh thần
Theo các chuyên gia, ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về nhầm lẫn trong y khoa của bác sĩ nhưng có thể khẳng định là rất nhiều. Có nhiều trường hợp lỗi lầm không hề được công bố trên báo chí, không bị xử lý hành chính mà chỉ được giải quyết qua điều đình giữa bệnh viện hay bác sĩ và nạn nhân. Những tai nạn do nhầm lẫn xảy ra không chỉ khiến bệnh nhân ôm thêm bệnh, có khi chết oan mà bác sĩ cũng khốn đốn.Chữa lợn lành hóa lợn què. Bệnh nhân trở thành nạn nhân.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện chưa có một tổ chức bảo vệ an toàn bệnh nhân. Một trong những nghịch lí trong y học ngày nay là y khoa càng ngày càng hiểu nhiều về bệnh lí và cách chữa trị, nhưng lại không biết nhiều về cách tự chữa lấy nhầm lẫn của chính mình
Để tránh nhầm lẫn, người cung cấp dịch vụ cũng như bệnh nhân cần ý thức được việc làm và nhu cầu của mình. Theo nhiều giới chức có thẩm quyền, phần lớn các nhầm lẫn đều có thể tránh được nếu giới cung cấp dịch vụ chấn chỉnh nghiệp vụ của mình. Các bệnh viện cần nghiêm túc triển khai áp dụng Bảng kiểm an toàn phẫu thuật, thực hiện bảo đảm an toàn phẫu thuật, xác định chính xác người bệnh trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ cho người bệnh theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện cần khẩn trương tổ chức đào tạo lại về an toàn người bệnh theo tài liệu đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 56/BYT-K2ĐT ngày 16/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đồng thời người bệnh cũng cần tích cực hợp tác với bác sỹ và bệnh viện trong quá trình điều trị. Trong bệnh viện, bệnh nhân có quyền hỏi bác sĩ, điều dưỡng những gì muốn biết rõ về bệnh tình của mình. Nếu cảm thấy bị phớt lờ hay bị từ chối, có thể tìm thầy thuốc khác tận tâm hơn để xin hoặc đề nghị được giải thích. Bệnh nhân không nên ngần ngại tham vấn hai, ba bác sĩ chuyên khoa để tự quyết định biện pháp điều trị tốt nhất.
Mỗi một tai nạn thường cho chúng ta những bài học. Hi vọng qua các vụ nhầm lẫn vừa qua, chúng ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để xét lại qui trình làm việc. Không thể duy trì một tình trạng bất biến được.
Ngọc Minh