Kết quả khai quật khảo cổ học thương cảng Thị Nại- Nước Mặn
Chiều 22.7 tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, Sở VH-TT-DL phối hợp với Viện khảo cổ học tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thám sát khảo cổ học thương cảng Thị Nại - Nước mặn. Đến dự có ông Trương Đông Hải PGĐ Sở VH-TT-DL, TS. Lê Thị Liên, chuyên gia tư vấn Viện khảo cổ học, đại diện lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh cùng các nhà nghiên cứu khảo cổ.
Quang cảnh buổi họp báo
Tại buổi họp báo ThS. Bùi Văn Hiếu PGĐ TT nghiên cứu khảo cổ học dưới nước chủ trì khai quật cho biết: Vị trí thăm dò khai quật khu vực thương cảng Thi Nại- Nước Mặn thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Đoàn khảo cổ đã đào 4 hố thám sát, mỗi hố có diện tích 4,5 m2. Vị trí hố 1 nằm ở góc đông bắc của sân bóng thôn An Hòa, tại đây đã phát hiện 2 chân tảng có kích thước nhỏ dài 26-30cm, rộng 22-26cm, dày 9-18cm. Móng cột bên dưới có hình vuông và hình chữ nhật được được tạo bởi lớp đất cát vàng xám.
Hố thám sát 2 nằm ở góc đông nam của sân bóng thôn An Hòa, sinh thổ là lớp đất sét màu vàng, tơi, rắn, bề mặt không bằng phẳng, ở độ sâu 18-24 cm so với lớp đất mặt có một hố cát thô được đầm nền chặt sâu 12cm.
Hố thám sát 3 được mở phía đông bắc chùa Bà, cách chùa Bà khoảng 200m. Ở độ sâu 43cm so với lớp đất mặt phát hiện khu vực đất được nung đỏ cùng với nhiều than tro. Ngoài ra còn thấy dấu vết phần cửa đốt, tường, nền bếp, xung quanh khu vực xuất lộ dấu vết bếp có một số mảnh đồ gốm men, đồ sành thô, gạch có niên đại khoảng thế kỷ 17 đến 19.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Hố thám sát 4 được mở cách hố 1 và 2 khoảng 50m về phía tây. Sinh thổ là đất cát, độ ẩm cao, không có dấu vết sinh sống của con người. Phần sinh thổ đã đào kiểm tra có thể phân thành hai lớp nhỏ, phía trên là lớp cát lẫn hạt laterit loang lổ, phía dưới là lớp đất sét pha cát, màu xanh vàng và sạn laterit màu nâu đỏ.
Ngoài ra các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy các đồ vật như gốm sứ, đồ sành, đồ kim loại, các mảnh phôi gốm, mảnh cà ràng, mảng xương và mảnh vỏ nhuyễn thể.
Tuy diện tích khai quật đợt này không lớn nhưng kết quả bước đầu thu được của đợt khai quật thám sát khu vực di tích thương cảng Thi Nại- Nước Mặn đã khẳng định vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng đất này và tiềm năng nghiên cứu khảo cổ là rất lớn.
Hoàng Phạm