Trung tâm BTXH Đồng Tâm: Những “quả ngọt”
Qua 9 năm hoạt động, Trung tâm BTXH Đồng Tâm đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của hàng trăm tổ chức, cá nhân. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã khẳng định khả năng, trách nhiệm xã hội của mình, góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.
Trung tâm BTXH Đồng Tâm là một tổ chức từ thiện xã hội, hoạt động theo mô hình ngoài công lập tự chủ về tài chính, được UBND tỉnh ra quyết định thành lập ngày 3.12.2007.
Chủ động kêu gọi nguồn lực
Ngay từ khi thành lập, lãnh đạo Trung tâm BTXH Đồng Tâm đã xác định sự chung tay của cộng đồng sẽ làm nên sức mạnh, giúp đơn vị phát triển. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm đều được trân trọng, ghi chép cẩn thận trong Sổ vàng như một cách tri ân.
“Lúc đầu, chúng tôi kêu gọi những cá nhân, đơn vị mà mình quen biết. Dần dà, nguồn tài trợ được phát triển thêm. Bởi nhiều nhà hảo tâm thường chọn tặng gạo, bánh kẹo... cho trẻ khuyết tật mà không biết rằng Đồng Tâm cũng cần họ giúp chi trả lương cho giáo viên, nhân viên hoặc sửa sang một công trình đã xuống cấp. Nên, không chỉ chờ nhà hảo tâm giúp đỡ theo khả năng của họ, chúng tôi chủ động vận động họ trợ giúp theo cái mình cần”, ông Nguyễn Đình Nhâm, Giám đốc Trung tâm BTXH Đồng Tâm, chia sẻ.
Nhờ thế, nhiều khoản trợ giúp dài hạn đã đến với Trung tâm, giúp san sẻ những khó khăn trong công tác vận hành. Tỉ như, 4 năm nay, Công ty CP May An Nhơn (thuộc Tổng Công ty May Nhà Bè) đã trợ giúp 2 triệu đồng/tháng cho Trung tâm để thực hiện chi trả lương nhân viên bảo vệ; Quỹ Gia đình Herbalife tài trợ các khoản trợ giúp trị giá từ 200 đến hơn 500 triệu đồng/năm. 3 năm nay, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh trao các khoản trợ giúp dao động từ 40 đến 90 triệu đồng/năm. Hội đồng hương Tuy Phước - Vân Canh tại TP Hồ Chí Minh tổ chức đấu giá tranh thêu do người khuyết tật tại Trung tâm thực hiện vào dịp họp mặt hằng năm, với mức từ 20 đến 30 triệu đồng/bức.
Nói về những khoản trợ giúp trên, ông Nhâm lý giải: “Bởi các nhà hảo tâm nhìn thấy được cái “thật” trong hoạt động của mình. Cái “thật” nằm ở những số phận đang cần đến sự trợ giúp của Trung tâm, nằm ở uy tín của những người lãnh đạo Trung tâm, ở sự minh bạch, công khai hóa mục đích sử dụng và kết quả đạt được từ các khoản trợ giúp”.
“Quả ngọt”
Trên mảnh đất chỉ 2.000m2, Trung tâm BTXH Đồng Tâm đã hình thành với 6 phòng học, 2 dãy nhà nội trú, hội trường, nhà ăn, thư viện, nhà làm việc. Cơ ngơi còn khá khiêm nhường này hiện là “mái nhà chung” của 112 người khuyết tật với các hoạt động hỗ trợ như: chăm sóc nuôi ăn, dạy văn hóa chuyên biệt, dạy nghề, tạo việc làm.
Tại “mái ấm” Đồng Tâm, nhiều mảnh đời khiếm khuyết đã quên đi bất hạnh, vượt khó vươn lên, sống độc lập, trở thành người có ích. Rất nhiều người khuyết tật đang đảm đương các vị trí chị nuôi, bảo mẫu, bảo vệ, tạp vụ. Như anh Đào Duy Học (38 tuổi, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) - bị liệt 2 chân - được nhận làm nhân viên tạp vụ. Sau nhiều năm cần mẫn làm việc, anh đã dành dụm được một số vốn, mua được bò và nhờ cha mẹ nuôi hộ; phụ giúp gia đình khi khó khăn.
Không chỉ làm tròn chức năng hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật, Đồng Tâm cũng ngày càng tạo dựng được uy tín trong lòng cộng đồng, các Mạnh Thường Quân. Ông Nguyễn Thắng, Chủ tịch Herbalife Khu vực Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, cho biết: “Đồng Tâm là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam được Quỹ Gia đình Herbalife trao gói trợ giúp tại Việt Nam. Các gói trợ giúp thường xuyên về mặt xây dựng thư viện, bếp ăn, cải thiện bữa ăn, dạy võ thuật... của Quỹ sẽ giúp Trung tâm hoạt động hiệu quả hơn nữa, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ thiệt thòi”.
Tháng 7.2016, Đồng Tâm khởi công xây mới lại khu nhà ở nội trú quy mô 2 tầng. Công trình có tổng dự toán hơn 1,2 tỉ đồng này cũng từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, tổng số tiền mặt vận động được đã đạt 325,8 triệu đồng. Ngoài ra, rất nhiều đơn vị chọn trợ giúp về vật liệu xây dựng, đáng kể như Công ty Thanh Hương 30 tấn xi măng; Chùa Thiên Hưng 10 tấn xi măng...
NGUYỄN MUỘI