Khai quật khảo cổ thương cảng Thi Nại - Nước Mặn: Những kết quả bước đầu
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò, khai quật khu vực thương cảng Thi Nại - Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) trong gần một tháng qua. Kết quả bước đầu thu được từ cuộc khai quật đã góp thêm tư liệu để nghiên cứu về các thương cảng này.
Các di vật thu được sau khai quật.
Di vật thu được khá phong phú
Trong đợt khai quật lần này, đã có 4 hố thám sát được mở tại các vị trí ở sân bóng thôn An Hòa, phía đông bắc chùa Bà, khu vườn nhà dân thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Diện tích khai quật không lớn (mỗi hố khai quật có diện tích 4,5 m2) nhưng số lượng, loại hình di vật thu được khá nhiều.
Về vật liệu kiến trúc, thu được 789 mảnh gạch ngói, đa phần đều bị vỡ nhỏ. Phần lớn trong số này là gạch có màu nâu đỏ, xương lẫn cát, không có trang trí hoa văn. Đồ gốm sứ thu được là 4844 mảnh đất nung, gốm men và sứ cũng phần lớn đều vỡ nhỏ. Những mảnh đồ đất nung có màu nâu đỏ, xương gốm tương đối mịn, chủ yếu là mảnh nồi. Gốm men và sứ bao gồm các loại hình bát, đĩa, cốc... với các dòng men nâu, men ngọc, men trắng, men trắng vẽ lam có nguồn gốc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, niên đại trải dài từ thế kỷ 16 - 17 đến thế kỷ 19 - 20.
Đồ sành thu được 2823 mảnh sành mịn, sành thô, sành có men là mảnh vỡ của các loại hình bình, vò, lọ, lon vại, chậu, nồi, niêu, bát, nắp... Những mảnh sành mịn và sành có men có xương màu nâu tím hay xám nhạt, đanh chắc, mặt trong và mặt ngoài đều được xoa tương đối nhẵn, chủ yếu thuộc loại hình bình, bát. Những mảnh sành thô cũng có màu nâu tím hay xám, xương sành còn lẫn sạn sỏi nhỏ, chủ yếu thuộc loại hình nồi, niêu, chậu. Bình có dáng cao, cổ đứng, vai trang trí hoa văn sóng nước hay những đường chỉ chìm khắc vạch, đắp nổi chạy xung quanh. Các đồ sành này chủ yếu có niên đại khoảng thế kỷ 17-18.
Đợt khai quật lần này cũng đã thu được 12 hiện vật sắt đã bị ôxi hóa nhiều nên chưa xác định được loại hình, cùng 5 đồng tiền và 1 mảnh tiền cũng bị oxi hóa nhiều, mờ, không còn đọc được rõ chữ. Hai đồng chữ còn tương đối rõ là tiền Khai Nguyên thông bảo và Khang Hi thông bảo.
Thạc sĩ Bùi Văn Hiếu, cán bộ Viện Khảo cổ học và là chủ trì đợt khai quật, cho biết: “Đợt khai quật thám sát đã phát hiện những di tích và di vật có giá trị nghiên cứu. Đó là dấu vết móng cột, chân tảng, nền kiến trúc, bếp cùng một số lượng di vật khá phong phú và đa dạng về loại hình. Bước đầu, chúng tôi cho rằng những di tích phát hiện được có niên đại khoảng thế kỷ 18 - 19. Di vật có niên đại trải dài trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau từ thế kỷ 16 - 17 đến thế kỷ 19 - 20, nhưng tập trung trong thế kỷ 17 - 18. Sự có mặt của một số lượng lớn đồ gốm sứ thời Minh, Thanh Trung Quốc và gốm sứ Hizen Nhật Bản là những chứng cứ chân xác về tính chất thương mại của di tích”.
Cần tiếp tục khai quật nghiên cứu
Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá thương cảng Thi Nại - Nước Mặn đóng vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu mối quan hệ trao đổi, buôn bán, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn minh Đông, Nam Á và phương Tây. Năm 2006, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành khai quật thám sát thương cảng này, qua đó phát hiện được dấu vết kiến trúc, cùng nhiều hiện vật đồ đất nung, gốm sành nâu, gốm trắng xanh (Trung Quốc), gốm Hizen (Nhật Bản), gốm Chăm pa (Gò Sành) và gốm Việt Nam.
Trong cuộc khai quật mới đây, tại hai hố thám sát đã phát hiện được dấu vết móng cột, chân tảng, nền kiến trúc. Mối quan hệ giữa chúng, quy mô, cấu trúc cụ thể của kết cấu kiến trúc này thì vẫn chưa được làm sáng tỏ. Như dấu vết bếp ở hố thám sát 3 ở phía Đông Bắc chùa Bà cũng tiếp tục ăn sâu vào các phía Đông, Tây, Nam, đồng thời lại nằm ở khu vực gắn liền với địa danh xóm Gốm khi xưa. Vì vậy, cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật để nghiên cứu thêm về cấu trúc, quy mô, tính chất của dấu tích này.
Từ kết quả hai lần khai quật khảo cổ cách nhau 10 năm, cho thấy tiềm năng nghiên cứu khảo cổ học vùng đất này còn rất lớn, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu trong tương lai. “Cấu trúc cụ thể của thương cảng còn rất mờ nhạt cần tiến hành điều tra, khảo sát tổng thể, xây dựng hệ thống bản đồ phân bố các điểm di tích trong khu vực. Đồng thời cần tiến hành thám sát khảo cổ học di tích chùa Ông, khu vực di tích chùa Bà để bước đầu có cái nhìn về những dấu tích kiến trúc liên quan đến thương cảng Nước Mặn xưa”, ông Bùi Văn Hiếu đề xuất.
Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thám sát khảo cổ học thương cảng Thi Nại - Nước Mặn được Bảo tàng Tổng hợp tổ chức chiều 22.7 vừa qua, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả ban đầu của cuộc khai quật, nhiều nhà chuyên môn, quản lí của ngành văn hóa và địa phương có di tích đều đề xuất ý kiến cần tiếp tục khai quật ở khu vực di tích. Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, cho rằng: “Trong tương lai, cần khai quật trên diện rộng hơn, ở nhiều điểm hơn để có thể hi vọng giải mã vấn đề còn bí ẩn, được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn cần có những điểm khai quật khảo cổ để tìm hiểu phần nào vì sao cảng thị Nước Mặn phồn vinh khi xưa sau này lại mất đi”.
HOÀI THU