Nỗi lo tội phạm ngày càng trẻ hóa
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, xảy ra nhiều và phức tạp. Đáng lo ngại là các đối tượng phạm tội ngày một trẻ hóa và phạm tội với tính chất, hành vi ngày một táo tợn.
Các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích vừa bị TAND huyện Phù Mỹ đưa ra xét xử.
Kéo nhóm băng cùng gây án
Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, tội phạm cố ý gây thương tích 6 tháng đầu năm 2016 chiếm khoảng 68% trong cơ cấu tội phạm; trong đó cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện đã khởi tố 49 vụ/118 bị can (tăng so cùng kỳ 4 vụ, giảm 33 bị can). Riêng số bị can là người chưa thành niên (từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi) là 69 người, đáng chú ý có 5 bị can phạm tội khi chưa đầy 16 tuổi.
Như vụ ẩu đả dẫn đến chết người tại thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn xảy ra vào giữa tháng 2.2016 là một ví dụ. Chỉ vì va quẹt xe khi đang lưu thông, rồi lời qua tiếng lại và được can ngăn sau đó, nhưng Nguyễn Thanh Duy (21 tuổi, xã Nhơn Hải) lại về nhà kéo thêm đồng bọn và mang rựa để quay lại đánh nhóm của Võ Tuấn Trình (16 tuổi, TP Quy Nhơn) cho bõ ghét. Hậu quả là Duy bị nhóm của Trình đánh chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.
Hay như vụ việc Lê Văn Trung (23 tuổi, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) bị đánh khiến tổn hại sức khỏe 16% cũng vậy. Do có mâu thuẫn với Trung từ trước nên Nguyễn Quốc Dũng (18 tuổi, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) gọi điện thoại nhờ các bạn đi đánh nhau giúp. Theo đó, Huỳnh Văn Hân (18 tuổi, xã Mỹ Quang), Nguyễn Văn Tâm (17 tuổi, xã Mỹ Hòa), Nguyễn Ngọc Lợi (25 tuổi, thị trấn Phù Mỹ) và Lê Trọng Khương (17 tuổi, xã Mỹ Trinh) nhận lời Dũng và mang theo hung khí gồm 3 dao đi tìm Trung để đánh. Khi phát hiện Trung đang ngồi trong một quán bida ở thị trấn Phù Mỹ, cả nhóm xông vào dùng hung khí và tay chân đánh đấm Lê Văn Trung.
Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập băng nhóm đánh nhau hiện đang diễn biến khá phức tạp. Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố- kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử án hình sự về trị an - an ninh - ma túy, Viện KSND tỉnh, phân tích: “Từ thực tế các vụ án xảy ra cho thấy, tình trạng một vụ án có nhiều người cùng tham gia diễn ra rất phức tạp. Điều đáng nói là đa số đồng phạm đều là thanh thiếu niên, đáng chú ý là giữa nạn nhân và các đồng phạm không hề thù oán nhau, không hề quen biết nhau. Điều này cho thấy việc xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác trong một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, trong đó có nhiều bị can phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, rất đáng báo động”.
Tăng cường quản lý, giáo dục thanh thiếu niên
Điểm chung của các vụ án xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác thường mang tính bộc phát, hoặc chỉ có chút xích mích từ trước và “chợt nhớ” là xảy ra chuyện; hoặc chỉ là một cái nhìn “khó ưa” ở tiệm game, bàn nhậu, quán karaoke thì ngay lập tức xảy ra ẩu đả, dẫn đến trọng thương, và gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này cho thấy, hiện tượng tội phạm trẻ hóa đã trở thành chuyện của mỗi gia đình, mỗi người làm cha, làm mẹ và cũng là chuyện của chính những người trẻ. Thiếu hiểu biết pháp luật, không có kỹ năng sống sẽ dẫn đến những hành vi ngang ngược, thể hiện cái tôi vượt trội không cần biết đúng - sai.
Nói như ông Đỗ Tấn Phước thì: “Ở hầu hết các vụ án xâm hại sức khỏe, tài sản người khác, nguyên nhân dẫn đến hậu quả cho cả bị cáo và bị hại đều có tác nhân từ bia, rượu. Bên cạnh đó, còn là ý thức tuân thủ pháp luật của bị can rất kém, tính bốc đồng của tuổi trẻ, thích dùng vũ lực để giải quyết và sự lơi lỏng của gia đình trong việc quan tâm, giáo dục con trẻ. Do đó, để góp phần hạn chế những vụ trọng án liên quan đến thanh thiếu niên và có yếu tố bia rượu, ngoài việc tăng cường công tác xét xử lưu động tại nơi bị cáo gây án, thì công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe quản lý các đối tượng chậm tiến tại cơ sở cũng cần được sát sao và thường xuyên”.
Một cán bộ điều tra CA tỉnh nhận định, hiện tượng thanh thiếu niên chỉ cần có một cái cớ nào đó rồi vin vào để tụ tập, huy động băng nhóm đánh nhau, và luôn sử dụng hàng nóng không còn là cá biệt. Vì vậy, để ngăn chặn những vụ án xâm phạm sức khỏe, ngoài lực lượng CA là nòng cốt thì cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan. Đặc biệt, sự phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc quản lý chặt chẽ con em mình, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến, sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế những hành vi vi phạm.
KIỀU ANH