Võ cổ truyền Bình Định:
Nhìn từ góc độ di sản văn hóa quốc gia
Sắp tới, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức Lễ đón nhận võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc được công nhận chính thức càng làm tăng thêm niềm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm cùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo của Bình Định.
“Ngoại lệ”
Cuối năm 2012, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), gồm 33 di sản. Trong số này, đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng, Lễ hội Đền Hùng.
Theo Luật Di sản văn hóa, “di sản phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Vậy, có thể nói, võ cổ truyền Bình Định thuộc dạng “ngoại lệ”, bởi là môn rèn luyện sức khỏe, thi đấu thể thao nhưng nhờ có được chiều sâu truyền thống lịch sử, văn hóa… nên được xếp vào loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian” cùng với Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát Xoan ở Phú Thọ, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Cao Lan, Dân ca Sán Chí, Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, Múa rối nước.
Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Võ cổ truyền có ở nhiều địa phương, nhưng chỉ có võ cổ truyền Bình Định được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự rất lớn”.
Nâng cao hơn trách nhiệm bảo tồn
Nhờ vào nỗ lực vượt qua khó khăn để giữ nghề của các thế hệ võ sư tâm huyết, công tác xã hội hóa trong bảo tồn võ cổ truyền Bình Định đã được thực hiện tốt ở nhiều võ đường trong tỉnh. Tuy nhiên, võ cổ truyền Bình Định đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lực lượng kế thừa có trình độ cao.
Võ sư Phan Thọ (88 tuổi) tâm sự: “Giới võ sư chúng tôi rất mừng khi võ cổ truyền được công nhận là di sản quốc gia. Nhưng rồi lại lo khi nghĩ đến việc xây dựng lực lượng kế cận lớp võ sư cao tuổi ra đi nay mai. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí để động viên các em có năng khiếu gắn bó lâu dài với nghiệp võ, gầy dựng phong trào phát triển ổn định”.
Theo Luật Di sản văn hóa, Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể thông qua việc tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại di sản; truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng; khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản; đồng thời đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, thất truyền.
Vài năm gần đây, võ cổ truyền Bình Định đã được đầu tư nhiều hơn không chỉ ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, mà còn là các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể chân dung võ sư, võ nhân Bình Định tiêu biểu, nghiên cứu bảo tồn thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định. Đặc biệt, cuối năm 2012, UBND tỉnh có Đề án bảo tồn và phát triển một số lò võ cổ truyền Bình Định gắn với việc phục vụ du lịch đến năm 2015. Nhờ Đề án này, 6 võ đường tiêu biểu ở An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước đã và đang nhận được những đầu tư cụ thể về cơ sở hạ tầng.
Tại buổi làm việc với Sở VH-TT&DL vào ngày 4.7, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã yêu cầu phải có những chính sách, kế hoạch cụ thể đối với công tác đào tạo lực lượng kế cận, xây dựng trường đào tạo võ thuật chất lượng cao ở khu vực Đàn tế Trời đất… “Tỉnh sẽ quan tâm đầu tư để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy di sản võ cổ truyền vô cùng quý giá này”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện nhấn mạnh.
Ngày 27.12.2012, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký Quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1). Theo đó, 33 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) đã được đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Cụ thể: Nghệ thuật trình diễn dân gian có 11 di sản được ghi danh gồm: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (Thừa Thiên - Huế); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (5 tỉnh Tây Nguyên); Dân ca Quan họ Bắc Ninh (Bắc Giang, Bắc Ninh); Hát Ca trù (15 tỉnh, thành phố); Hát Xoan ở Phú Thọ (Phú Thọ); Đờn ca Tài tử Nam bộ (21 tỉnh,thành phố); Dân ca Cao Lan (Bắc Giang); Dân ca Sán chí (Bắc Giang); Dân ca Ví Dặm xứ Nghệ (Hà Tĩnh, Nghệ An); Võ cổ truyền Bình Định (Bình Định); Múa rối nước (Hải Dương).
Lễ hội truyền thống có 12 di sản gồm: Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội); Lễ hội Yên Thế (Bắc Giang); Lễ hội Thổ Hà (Bắc Giang); Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (Hà Giang); Lễ hội Côn Sơn (Hải Dương); Lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương); Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng); Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa (Khánh Hòa); Lễ hội Gầu Tào (Lào Cai, Hà Giang); Lễ hội Kỳ Yên ở đình Gia Lộc (Tây Ninh); Lễ hội Tháp Bà (Ponagar) Nha Trang (Khánh Hòa); Lễ hội Lồng Tông của người Tày (Tuyên Quang).
Loại hình di sản VHPVT tập quán xã hội và tín ngưỡng có 7 di sản gồm: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (Phú Thọ); Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô (Hà Giang); Nghi lễ cấp sắc của người Dao (Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái); Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo (Hà Giang); Lễ bỏ mả của người Raglai (Khánh Hòa); Nghi lễ chầu văn của người Việt (Hà Nam, Nam Định); Nghi lễ then của người Tày (Lào Cai,Quảng Ninh, Tuyên Quang).
Loại hình tiếng nóichữ viết có: Chữ Nôm của người Dao (Bắc Kạn). Loại hình nghề thủ công truyền thống có: Tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh); Nghề làm gốm của người Chăm (Bình Thuận).
HOÀI THU
Võ cổ truyền Bình Định được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một tin vui. Tuy nhiên, tui thấy việc nghiên cứu về Võ cổ truyền Bình Định, hay thường gọi là Võ Bình Định thời gian qua còn rất sơ sài. Đọc một số công trình nghiên cứu về Võ Bình Định hiện có cũng chưa thể nói lên đặc thù của Võ Bình Định từ các bài võ đến các thế võ. Đâu là sự giao thoa Võ Bình Định với các nền võ thuật khác trong và ngoài nước; những ưu và nhược của Võ Bình Định thi đấu trên võ đài... Có lẽ cần có kinh phí và công trình nghiên cứu thấu đáo, khoa học, đầy đủ về Võ Bình Định để có cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị di sản.