Trạm xử lý nước thải CCN Phước An (Tuy Phước): Tiền tỉ “đắp chiếu” !
Cuối năm 2014, Trạm xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) Cụm công nghiệp (CCN) Phước An (huyện Tuy Phước) xây dựng hoàn thành với công suất xử lý 200 m3 nước thải/ngày đêm, kinh phí đầu tư gần 4,5 tỉ đồng. Vậy nhưng, đến nay, hệ thống XLNTTT này chưa thể vận hành vì… không có nước thải (!)
Trạm XLNTTT CCN Phước An dù hoàn thành xây dựng đã gần 2 năm, nhưng chưa thể hoạt động.
Năm 2004, CCN Phước An hình thành tại thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An. Đến nay, CCN Phước An có diện tích 49,5 ha, cơ bản lấp đầy trên 95% diện tích, với gần 20 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như chế biến nhựa, chế biến xốp, chế biến đá granite, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, cơ khí...
Trong quá trình các doanh nghiệp này hoạt động, đã xảy ra nhiều bất cập, trong đó, nổi cộm là tình trạng ô nhiễm môi trường, do một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN này chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không hoạt động được do thiết kế chưa hợp lý, thậm chí có trường hợp lại vận hành không đúng kỹ thuật. Trong những năm qua, tại nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân ở địa phương liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, nhất là việc xả thải của các doanh nghiệp tại CCN Phước An.
Trước nhu cầu cấp thiết phải xây dựng hệ thống XLNTTT, năm 2013, huyện Tuy Phước đã đầu tư gần 4,5 tỉ đồng xây dựng Trạm XLNTTT CCN Phước An. Cuối năm 2014, công trình hoàn thành. Thế nhưng, từ đó đến nay, Trạm XLNTTT này lại rơi vào cảnh “cửa đóng then cài”, không hoạt động.
Theo quan sát của PV Báo Bình Định tại hiện trường, Trạm XLNTTT này được xây dựng khá hiện đại với hệ thống bể chứa, bể lắng và các trang thiết bị, máy móc phục vụ việc thu gom và XLNTTT. Tuy nhiên, do đã lâu không hoạt động, một số bể chứa, bể lắng đã bị rong rêu bám đầy và có dấu hiệu xuống cấp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hồng Nam, chuyên viên Ban Quản lý CCN huyện Tuy Phước, cho biết: “Trạm XLNTTT CCN Phước An do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện làm đại diện chủ đầu tư. Tuy công trình đã hoàn thành việc xây lắp, song đến nay, đại diện chủ đầu tư chưa bàn giao cho chúng tôi quản lý. Nguyên nhân vì sao thì chúng tôi cũng... chịu”.
Trong khi đó, ông Phạm Tích Đức, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tuy Phước, cho biết: “Việc đầu tư, xây dựng Trạm XLNTTT CCN Phước An là đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển và đúng với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời điểm Trạm XLNTTT hoàn thành cũng là lúc nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại CCN này gặp khó khăn nên một số ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Hơn nữa, một số cơ sở sản xuất ở đây chưa chịu đấu nối và xả nước thải vào hệ thống XLNTTT. Do không gom đủ lượng nước thải để xử lý nên Trạm XLNTTT không thể hoạt động”.
Có thể thấy, việc Trạm XLNTTT CCN Phước An được đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng nhưng không thể đưa vào hoạt động là sự lãng phí lớn. Đến bao giờ Trạm XLNTTT CCN Phước An đi vào hoạt động? Và nếu Trạm XLNTTT CCN Phước An không hoạt động thì lâu nay lượng nước thải mà các cơ sở trong CCN này thải ra trong quá trình sản xuất đi đâu?
Để công trình sớm vận hành, góp phần bảo vệ môi trường, các ngành chức năng huyện Tuy Phước cần tìm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc. Với các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại CCN Phước An chưa chịu đấu nối vào hệ thống XLNTTT, UBND huyện Tuy Phước cần có biện pháp xử lý, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.
TRỌNG LỢI