Lễ kỷ niệm 85 năm cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây số 7 Tài Lương
(BĐ) - Chiều 23.7, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Nhơn đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 85 năm cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây số 7 Tài Lương (23.7.1931 - 23.7.2016), xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn - Đến dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh và hơn 3.000 cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, đại diện các tổ chức đoàn thể, người dân trên địa bàn huyện Hoài Nhơn.
Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm đã điểm lại những diễn biến lịch sử trước, trong và sau cuộc biểu tình của trên 3.000 cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây số 7 Tài Lương năm 1931. Từ đó khẳng định cuộc biểu tình tuy bị đàn áp đẫm máu, nhưng đã thể hiện sự lớn mạnh của tổ chức Đảng cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Hoài Nhơn; đồng thời là một mốc son chói lọi, một hồi chuông cảnh tỉnh trong đêm trường tăm tối, thức tỉnh quần chúng cần lao đi theo tiếng gọi của Đảng chống ách thực dân phong kiến; là biểu hiện nghị lực cách mạng phi thường của quần chúng đã tạo ra thế và lực cho các cao trào cách mạng ở huyện Hoài Nhơn sau này.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hoài Nhơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi bằng những hành động thiết thực, đóng góp xứng đáng xây dựng quê hương Hoài Nhơn nói riêng và tỉnh nhà nói chung ngày càng phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Hoài Nhơn phối hợp tích cực hơn nữa với Sở VH-TT&DL và các ngành liên quan của tỉnh để xúc tiến các thủ tục triển khai đầu tư tôn tạo di tích cấp quốc gia cây số 7 Tài Lương, thành một trong những điểm giáo dục truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
* Trước đó, sáng 23.7, tại Hội trường UBND huyện Hoài Nhơn, Huyện ủy Hoài Nhơn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Viện Lịch sử Đảng (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học về Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây số 7 Tài Lương (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) năm 1931. Đến dự và tham gia chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Giờ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 26 tham luận của nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương và địa phương; lãnh đạo các địa phương, cán bộ lão thành cách mạng... Trong đó, có 10 tham luận được các đại biểu trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các tham luận đã góp phần đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Bình Định; đặc biệt là quá trình ra đời, xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Hoài Nhơn trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Nhiều ý kiến tại hội thảo làm rõ hơn quy mô, ý nghĩa của cuộc biểu tình tại cây số 7 Tài Lương đối với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào cách mạng tỉnh Bình Định; đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước, quật khởi của đồng bào, chiến sĩ huyện Hoài Nhơn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hội thảo cũng đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc biểu tình đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ và tiến trình cách mạng của tỉnh Bình Định.
Thay mặt đoàn chủ trì phát biểu kết luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhấn mạnh, cuộc biểu tình tại cây số 7 Tài Lương có quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ khi phong trào cách mạng 1930 - 1931 trong nước đang trầm lắng. Do vậy, sự kiện này không chỉ mang nhiều ý nghĩa đối với Đảng bộ, nhân dân huyện Hoài Nhơn nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung, mà còn là sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc gia.
HOÀI THU