Tôn tạo di tích liên quan đến Cuộc biểu tình tại cây số 7 Tài Lương năm 1931: Cần được đầu tư xứng tầm lịch sử
Tại Hội thảo khoa học về Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây số 7 Tài Lương (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) năm 1931 vừa được tổ chức, đã có nhiều ý kiến kiến nghị cần quan tâm đầu tư tương xứng cho các di tích liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng này.
Ông NGUYỄN DUY QUÝ, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy:
Năm tháng đã đi qua nhưng những mốc son về một thời đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng của các thế hệ cách mạng và nhân dân huyện Hoài Nhơn sẽ mãi được ghi vào trang sử vàng chói lọi của quê hương.
Chúng ta tự hào và phải có trách nhiệm làm thế nào để sự kiện 23.7.1931 tại cây số 7 Tài Lương sống mãi. Đề nghị huyện, tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư thích đáng để xây dựng, tôn tạo khu di tích ngang với tầm vóc sự kiện lịch sử quan trọng bằng nhiều nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Ngoài ra, cần tìm hiểu, sưu tầm tư liệu biên soạn một tập sách đầy đủ các nội dung để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Quang cảnh Hội thảo khoa học về Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây số 7 Tài Lương.
Ông CAO THANH THƯƠNG, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn:
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây số 7 Tài Lương năm 1931 là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Hoài Nhơn nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết cộng đồng phục vụ cho xây dựng và phát triển KT-XH ở địa phương.
Trong thời gian đến, di tích cần sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của Nhà nước; sự phối hợp, cộng tác trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cũng như sự động viên khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia gìn giữ, tôn tạo di tích. Đồng thời, cần quan tâm lập hồ sơ, xây dựng di tích kỷ niệm nơi hi sinh và đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Lê Khâm - người đã dũng cảm hi sinh nhằm cứu nhiều đồng chí khác bị bắt sau cuộc biểu tình được bớt cực hình tra tấn của địch...
Ông PHẠM ĐÌNH ĐÔN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định:
Ngoài di tích cây số 7 Tài Lương ở xã Hoài Thanh Tây ghi dấu sự kiện, cần tìm hiểu, phát hiện và mở rộng thêm một số di tích liên quan đến sự kiện này nằm ở địa điểm khác; xây dựng sơ đồ các mũi tiến công của các chi bộ và lực lượng quần chúng tham gia vào cuộc biểu tình. Chẳng hạn, điểm tập kết lực lượng ở làng An Thái, nơi Tri phủ Bồng Sơn và Trưởng đồn đến tận nơi để ra lệnh cho người biểu tình giải tán nhưng họ không nghe, sau đó 2 người tham gia biểu tình đã bị bắn; địa điểm chưa xác định rõ cách Tài Lương khoảng 2 cây số, nơi có nhiều người bị bắn, bị thương vong, bị địch bắt giữ...
MAI THƯ (lược ghi)