Cảnh báo từ một ca uốn ván rốn thể tối cấp
Các bác sĩ khoa Nhi sơ sinh (BVĐK tỉnh) vừa điều trị thành công một ca uốn ván rốn thể tối cấp ở trẻ sơ sinh - một chứng bệnh rất hiếm gặp trong những năm gần đây. Đây được coi là một lời cảnh báo cho người nhà của trẻ và cả nhân viên y tế về việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc rốn.
Bệnh nhi là bé gái con của sản phụ Nguyễn Thị Y. L. (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) được khoa Nhi sơ sinh tiếp nhận lúc 15 giờ 45 ngày 24.4 - 8 ngày sau sinh. Tình trạng của trẻ lúc này là lơ mơ, tím tái toàn thân, co giật toàn thân, không sốt. Ngay sau khi được cấp cứu với diazepam, thở ôxy, bé nằm yên, môi hồng; da tái xanh, vàng nhẹ; cứng hàm, còn co giật, bỏ bú - những triệu chứng điển hình của uốn ván rốn. Đặc biệt, rốn đầy dịch, mùi rất hôi thối, có nề đỏ quanh chân rốn.
Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh tại khoa Nhi sơ sinh, BVĐK tỉnh.
Từ 16 giờ 15 ngày 24.4 đến 2 giờ ngày hôm sau, bé liên tục có nhiều cơn co giật, co gồng. Bác sĩ điều trị phải dùng liều cao cắt cơn với diazepam 0,3mg/kg/liều phối hợp với phenobarbital 10mg/kg/liều.
8 giờ sáng 25.4, khoa Nhi sơ sinh hội chẩn với khoa Truyền nhiễm và thống nhất chẩn đoán bé bị uốn ván rốn. Kết quả hội chẩn cấp III sau đó kết luận, bé bị uốn ván rốn thể tối cấp. Trên cơ sở đó, hướng điều trị được đưa ra là truyền ôxy, truyền dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch; kháng sinh oxacilline + gentamycine + metronidazol tiêm truyền tĩnh mạch; tiêm kháng độc tố uốn ván SAT; kiểm soát cơn co gồng, co giật bằng diazedam, phenobarbital; nằm phòng tối cách ly ánh sáng, tiếng ồn, kích thích.
Kết quả xét nghiệm công thức máu ngày 17.4 cho thấy, chỉ số bạch cầu là 13,6x109/lit, hồng cầu 4,7x1012/lit, tiểu cầu 344x109/lit. Đây là những chỉ số ở mức bình thường, cho thấy sự hồi phục tốt của bệnh nhi.
Từ ngày 30.4 đến 26.5, bệnh nhi chỉ co gồng nhẹ tự nhiên và khi kích thích, cơn co gồng giảm dần. Từ ngày 8.5, bắt đầu giảm dần liều chống co giật; từ ngày 4.5 bắt đầu nuôi dưỡng qua sonde dạ dày phối hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch. Ngày 27.5, bé được cai máy thở, 2 ngày sau đã thở tự nhiên, cắt hoàn toàn thuốc chống co giật.
Đến ngày 14.6 - sau 50 ngày điều trị - bé xuất viện trong tình trạng khóc to, bú tốt, hết gồng, phản ứng linh hoạt, lên cân tốt. “Đây thật sự là niềm vui lớn của chúng tôi. Sự vất vả trong quá trình chăm sóc cho cháu bé cuối cùng đã được đền đáp” - điều dưỡng Đặng Thị Ngọc Huệ, một trong những người trực tiếp theo dõi, chăm sóc bệnh nhân nhi này từ những ngày đầu, chia sẻ.
Theo Phó khoa Nhi sơ sinh Nguyễn Thị Thu Thủy, hơn 20 năm qua, chị mới gặp lại một ca uốn ván rốn. Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai hiệu quả, các bà mẹ được tiêm chủng vắc-xin ngừa uốn ván đầy đủ, cùng với việc chăm sóc rốn cho trẻ đảm bảo an toàn, đã góp phần đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ.
Với thành tích đột xuất trong điều trị, chăm sóc thành công bệnh nhi 8 ngày tuổi bị uốn ván rốn nặng, tập thể khoa Nhi sơ sinh và 5 cá nhân của khoa gồm: bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy; các điều dưỡng: Đặng Thị Ngọc Huệ, Đặng Thị Thanh Kiều, Ngô Thị Mỹ Tho, Huỳnh Thị Thảo đã được Sở Y tế tặng Giấy khen.
Thêm một điều đặc biệt ở trường hợp này là phản ứng của gia đình bệnh nhi. Khi con phải nhập viện trở lại, anh Nguyễn T. X. đã có phản ánh lên fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế, cho rằng con gái anh bị nhiễm trùng rốn là do nhân viên khoa Sản của BVĐK tỉnh bất cẩn. Kết quả kiểm tra, xác minh của BVĐK tỉnh cho thấy, quá trình cắt rốn, tắm bé thực hiện tại khoa Sản là đúng. Anh X. cũng xác nhận, khi bé xuất viện, tình trạng sức khỏe bình thường, khỏe mạnh. Anh X. đã tự nguyện viết đơn xin rút khiếu nại.
Bác sĩ Thủy phân tích rằng, rốn bị nhiễm trùng trong thời gian chăm sóc tại nhà sau khi đã xuất viện, thời gian ủ bệnh 4-5 ngày là một trong những căn cứ quan trọng để kết luận trẻ bị uốn ván rốn thể tối cấp. Từ đó, bác sĩ Thủy khuyến cáo: “Để phòng uốn ván rốn cho trẻ, quan trọng nhất là người mẹ mang thai phải được tiêm vắc-xin đầy đủ. Khi sinh, phải đến cơ sở y tế có điều kiện chăm sóc rốn tốt. Khi về nhà, quá trình chăm sóc rốn phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối”.
NGUYỄN VĂN TRANG