Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016: Chọn ngành sao cho hợp lý?
Bên cạnh việc tìm hiểu thật kỹ nét mới về thông tin các trường, các ngành, thí sinh cần nhìn nhận đúng năng lực bản thân để tránh chọn sai nguyện vọng…
Rút kinh nghiệm từ năm đầu tiên triển khai kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo có nhiều điều chỉnh trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì thế, các chuyên gia giáo dục và đại diện nhiều trường đại học cho rằng, bên cạnh việc tìm hiểu thật kỹ nét mới của kỳ tuyển sinh cũng như thông tin các trường, các ngành, thí sinh cần nhìn nhận đúng năng lực bản thân để tránh chọn sai nguyện vọng.
Theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, sau khi có kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016, từ ngày 1.8, các thí sinh trên cả nước sẽ tham gia đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên.
Thí sinh nghe tư vấn tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016
Năm nay, thí sinh có 12 ngày để suy nghĩ và đưa ra quyết định nộp giấy đăng ký xét tuyển vào trường và ngành mà mình yêu thích trong đợt 1 thay vì 20 ngày như năm 2015. Giai đoạn này, mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết: “Trong năm nay, thí sinh không được rút hồ sơ sau khi đã nộp. Vì vậy các em phải hết sức cân nhắc khi nộp hồ sơ.
Vấn đề thứ 2 cũng rất đặc biệt là năm nay ngay từ đợt 1, thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã quy định, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận việc học vào trường nào bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường”.
Vì không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký nên theo các chuyên gia giáo dục, mỗi thí sinh cần suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Tránh trường hợp như năm 2015, nhiều thí sinh muốn tận dụng hết các nguyện vọng xét tuyển mà quên đi sở thích và sở trường của bản thân. Từ đó, không ít em đã chọn ngành phải bỏ học giữa chừng hoặc chọn cách thi lại vào năm 2016, gây lãng phí tiền bạc, thời gian.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM lưu ý: “Bằng mọi giá phải vào đại học là suy nghĩ không đúng. Nếu thí sinh chọn được ngành học yêu thích thì quá trình học 4 năm sẽ rất thuận lợi. Nhưng nếu thí sinh trúng tuyển vào ngành mình không yêu thích thì sẽ dẫn đến chuyện việc học vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Như vậy, có thể các bạn sẽ bỏ học giữa chừng hoặc bị buộc thôi học.”.
Bên cạnh tâm lý muốn vào đại học bằng mọi cách, hiện một bộ phận thí sinh còn có xu hướng thích chọn ngành đang được ưa chuộng với mong muốn có được thu nhập thật cao trong tương lai.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học Mở TP HCM cho rằng, nếu chạy theo trào lưu trong việc chọn ngành, chọn trường mà không chịu tìm hiểu kỹ thông tin cũng như không cân đối với năng lực bản thân, rất có thể thí sinh sẽ đi sai đường.
“Ngành học thí sinh chọn phải phù hợp với khả năng và sự yêu thích của mình. Chúng ta phải tìm hiểu xem cơ hội việc làm và cơ hội thăng tiến sau khi mình lấy bằng cử nhân ngành học đó là như thế nào. Và thí sinh cần phải lưu ý là độ khó của ngành học mà chúng ta chọn”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà nói.
Ngoài những điều chỉnh liên quan đến cách thức nộp hồ sơ xét tuyển, cách đăng ký nguyện vọng trong mỗi đợt, việc Bộ Giáo dục – Đào tạo rút ngắn thời gian các đợt xét tuyển cũng sẽ ít nhiều tác động tới quá trình chọn ngành, chọn trường của các thí sinh trong năm nay.
Theo Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sài Gòn, sự thay đổi này hoàn toàn hợp lý vì góp phần giảm căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, cũng mở ra thêm nhiều cơ hội để thí sinh chọn được ngành học mình thực sự yêu thích.
“Điểm đặc biệt của kỳ tuyển sinh năm nay là mỗi đợt xét tuyển ngắn. Cho nên có những ngành nghề mà kỳ tuyển sinh năm trước chỉ xét tuyển đợt 1 đã đủ chỉ tiêu thì năm nay, những ngành nghề ấy ở một số trường xét tuyển xong đợt 1 vẫn không đủ chỉ tiêu do có tỷ lệ ảo. Do đó, thí sinh nên giữ nguyện vọng của mình, nhưng điều quan trọng là các em phải sắp xếp nguyện vọng ấy theo thứ tự của các trường”- ông Giang Sơn khẳng định.
Với kỳ tuyển sinh nhiều đổi mới như năm nay, đại diện nhiều trường đại học cho rằng, tìm hiểu kỹ thông tin ngành và trường học trước khi làm hồ sơ đăng ký thôi chưa đủ, mỗi thí sinh cần lường trước nhiều tình huống phát sinh để có thể đưa ra chọn lựa đúng đắn nhất.
Ngoài ra, việc so sánh điểm thi với điểm chuẩn các năm trước của ngành mình muốn học cũng sẽ giúp thí sinh ước lượng được khả năng trúng tuyển mà quyết định nên nộp hồ sơ hay không.
Theo Mỹ Dung/VOV-TP HCM