Chữ “tình” ở trại giam
Ðối với những phạm nhân, khi đã bước chân vào trại giam, tính từng ngày chờ được tự do hoặc sẽ chẳng bao giờ, chữ “tình” đóng vai trò quyết định đến khát vọng hoàn lương của họ.
Các phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có người thăm nuôi, được nhận quà hỗ trợ của Trại giam Kim Sơn.
1.
Dẫu 8 giờ sáng mới bắt đầu Hội nghị Gia đình phạm nhân năm 2016 Trại giam Kim Sơn (thuộc Tổng Cục 8, Bộ Công an, đóng ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), nhưng hơn 6 giờ sáng, nhiều người đã có mặt tại cổng trại giam.
Hai tay cầm bịch cháo lòng - bánh hỏi, bịch bánh kẹo, mẹ phạm nhân Nguyễn Văn Triều (24 tuổi, quê ở xã Phước Thuận, Tuy Phước, án tù 18 năm) nói nhanh: “Hôm trước nó gọi về nói thèm ăn cháo lòng bánh hỏi, nên tôi mang lên cho nó. Nó đi tù từ năm 2014, cải tạo loại khá nên gia đình được mời dự hội nghị lần này”. Rồi bà tất bật lên xe máy để vào gửi đồ cho con trai rồi quay ra dự hội nghị.
Tại khu vực chờ đăng ký thăm nuôi, một số người khác hí hoáy viết đơn xin gặp. Một phụ nữ trung niên ngồi chờ nơi ghế đá cho biết, 3 giờ sáng vợ chồng bà chạy xe máy từ Quảng Ngãi vào. Con bà bị án 10 năm tù về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; trước đó là án 18 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Bà tâm sự, cha mẹ nào nỡ bỏ con, cho nó điểm tựa niềm tin để phấn đấu.
2.
Kể lại việc mình được giảm án chung thân xuống còn án phạt tù 30 năm, phạm nhân Nguyễn Văn Thuận (35 tuổi, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang) nói: “Chính bản thân tôi cũng không thể ngờ đến”. Bởi trước khi được chuyển đến Trại giam Kim Sơn, Thuận thuộc diện cá biệt, không thể giáo dục được ở Trại giam Xuân Phước (Phú Yên).
Năm 2009, khi được đưa đến Trại giam Kim Sơn, Thuận ngồi lì trên xe không chịu xuống vì biết nơi này kỷ luật nghiêm, cách quản lý, giáo dục phạm nhân cũng khác nơi khác. Tuy vẫn giữ bản tính hung hăng, bất cần đời, nhưng dần dần Thuận nhận ra phạm nhân nơi đây sống lành mạnh, không bắt nạt nhau, cũng không có sự phân biệt đối xử.
Và hành động của cán bộ quản giáo Hưng (trung tá Phí Thanh Hưng, hiện là Phó giám thị Trại giam Kim Sơn) khi đó đã làm Thuận thay đổi thái độ cải tạo. Lần ấy, vì Thuận không được phép ra ngoài nên anh Hưng đã ra chở mẹ và chị gái của Thuận vào tận Phân trại 1 thăm. “Tôi không ngờ lại được cán bộ đối xử có tình đến thế. Khi tôi đau ốm, cán bộ, phạm nhân đều quan tâm thăm hỏi chứ không để sống chết mặc bay. Cảm ân tình đó mà tôi nhủ lòng phải thay đổi”, phạm nhân này trải lòng. Thuận yên tâm cải tạo tốt, lao động luôn vượt khoán, mỗi năm còn dư ra 5-7 triệu đồng. “Tính ra, còn hơn 8 năm nữa tôi ra tù. Ngày trước thấy tương lai mịt mù lắm, giờ đường về ngày một gần hơn”, Thuận nói.
3.
Thiếu tá Nguyễn Văn Phòng, Phó giám thị Trại giam Kim Sơn, phụ trách Phân trại 1, cho biết, thời gian qua, ngoài thực hiện tốt các chế độ chính sách cho phạm nhân, Trại giam luôn phối hợp chặt chẽ với gia đình phạm nhân để trao đổi, thông tin định kỳ quá trình cải tạo của phạm nhân. Đối với phạm nhân chậm tiến, hay vi phạm quy định, Trại gặp gỡ, điện thoại trao đổi với người thân, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tìm biện pháp động viên, thuyết phục, vận động phạm nhân chấp hành tốt nội quy, an tâm cải tạo.
Năm 2015, phạm nhân đang thụ án tại Trại giam xếp loại cải tạo tốt chiếm tỉ lệ 26%; loại khá trên 63%; 6 tháng đầu năm 2016, có 28% phạm nhân xếp loại tốt, trên 63% xếp loại khá. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp gia đình thiếu sự quan tâm, động viên kịp thời đã tác động tiêu cực đến tâm lý phạm nhân, gây ra tư tưởng bi quan, chán nản, thường xuyên có hành vi vi phạm. Từ tháng 7.2015 đến nay, Trại xử lý kỷ luật 105 trường hợp vi phạm nội quy, quy định của trại; trong 6 tháng đầu năm 2016 có 133 phạm nhân bị xếp loại thi đua trung bình, kém (8,4%).
4.
Phạm nhân Nguyễn Văn Xuân (29 tuổi, quê ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, án tù 8 năm) tâm sự: “Thấy người khác được người thân đến an ủi, động viên, tôi không khỏi chạnh lòng. Hơn 3 năm nay, kể từ lúc vào tù, tôi chưa được ai đến thăm cả. Viết thư cho cha mẹ cũng chẳng được hồi âm”. Cha mẹ Xuân đang sống ở Gia Lai, còn vợ con sống ở huyện Phù Mỹ.
Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn khẳng định, sự động viên, quan tâm của gia đình tác động mạnh mẽ đến quá trình phấn đấu, khát vọng vươn lên phục thiện của phạm nhân. Sự bao dung, quan tâm và tình yêu thương của gia đình là động lực và là điểm tựa cho phạm nhân có niềm tin làm lại cuộc đời. Song hành với đó, trong công tác quản lý giáo dục phạm nhân, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Kim Sơn luôn quan tâm, sâu sát kịp thời, lấy tình người khơi gợi bản ngã hướng thiện trong mỗi phạm nhân, giúp họ bước qua lầm lỗi, về với cuộc đời.
THU HÀ
Mở nhiều lớp dạy nghề cho phạm nhân
(BÐ) - Hiện khoảng 70% phạm nhân Trại giam Kim Sơn đều có việc làm tại trại, với các công việc như bóc tách hạt điều, đan ghế nhựa. Việc này không chỉ có tác dụng cải tạo, giáo dục lao động cho phạm nhân mà còn giúp họ tích lũy được một số tiền do làm vượt khoán quy định. Ngoài ra, Trại còn xây dựng cơ sở dạy nghề mộc, nề, rèn, may mặc, giúp phạm nhân biết nghề, có thể kiếm được việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2015 đến nay, Trại giam đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh khai giảng 1 lớp nghề cơ khí - hàn cho 30 phạm nhân; ký hợp đồng với liên doanh Hưng Tín - Trường CÐ nghề Gia Lai mở 8 lớp dạy nghề xây dựng và hàn cho 280 phạm nhân.
HOÀNG LAN