Đề nghị thực hiện chuyên đề giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với ngư dân
Trong chương trình làm việc ngày 25.7.2016 của kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Tại nội dung này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có tham luận đề xuất 2 chuyên đề giám sát.
Chuyên đề thứ nhất là ưu tiên việc thực hiện chính sách pháp luật đối với ngư dân, đối với phát triển kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng. Trước hết, vấn đề này liên quan trực tiếp đến đời sống ngư dân trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo chủ quyền.
Ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Đặc biệt, tỉnh Bình Định có trên 8.600 tàu thuyền, trong đó hơn một nửa là đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Trong thời gian qua, liên tục có hiện tượng ngư dân khi đánh bắt ở ngư trường thuộc chủ quyền và lãnh hải của Việt Nam nhưng bị “tàu lạ” tấn công, chiếm đoạt phương tiện, gây tổn hại đến tài sản và tính mạng. Sau khi giám sát, tôi đề xuất có những chính sách hỗ trợ cho ngư dân khi bị tổn thất về tài sản, tính mạng, sức khỏe do “tàu lạ” tấn công. Bởi vì khi mất tàu đồng nghĩa với việc người ngư dân sẽ mất phương tiện lao động chính trong khi chúng ta chỉ kêu gọi ủng hộ và giúp đỡ mà chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể.
Mặt khác, khi Tòa án quốc tế phán quyết vụ kiện của Philippin về vấn đề biển Đông thì Trung Quốc sẽ có những hành động để khẳng định lập luận của họ, từ đó sẽ có những ảnh hưởng đến hoạt động nghề cá cũng như chủ quyền của Việt Nam. Đề nghị Quốc hội có những chính sách, biện pháp để bảo vệ ngư dân, bảo vệ ngư trường, lãnh hải Việt Nam cũng như chủ quyền của đất nước.
Chuyên đề thứ hai là giám sát việc thực hiện Luật về đầu tư khai thác công trình giao thông, thực hiện đồng bộ về kinh doanh và chuyển giao theo BOT. Thứ nhất là làm rõ việc đầu tư và thu phí, từ đó đề ra giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian tới mà không tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí cho xã hội, từ đó phát triển được vấn đề Logistis cũng như doanh nghiệp, ổn định nền kinh tế, khi cần chúng ta sẽ đầu tư những cơ sở hạ tầng mới.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của một số đại biểu khác như đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TP Hồ Chí Minh, đề xuất việc giám sát về vấn đề môi trường đối với các doanh nghiệp trong thời gian qua, cụ thể là bức xúc dư luận nhân dân về vụ xả thải của Formosa và nhà máy Hậu Giang.
Đại biểu LÊ CÔNG NHƯỜNG