30 năm Bệnh viện Tâm thần tỉnh: Địa chỉ đặc biệt được tin yêu
Hôm nay (28.7), Bệnh viện Tâm thần tỉnh tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (28.7.1986 - 28.7.2016). Nhìn lại chặng đường đã qua, bác sĩ Trương Quốc Hiền - Giám đốc Bệnh viện, đúc kết: “Mặc dù gắn với cái bệnh, cái nghề còn khá nhiều mặc cảm nhưng Bệnh viện đã giành được lòng tin yêu và thiện cảm của người dân gần xa”.
Sau ngày thống nhất đất nước, ngành Y tế tỉnh Nghĩa Bình còn non yếu, trong khi công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng rất cấp bách. Toàn tỉnh có hơn 400 ngàn người mắc các loại bệnh tâm thần, 50% trong số đó là các bệnh nặng như: tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển tâm thần, loạn thần… chưa được quản lý và điều trị cơ bản bằng y học hiện đại. Trước yêu cầu bức xúc của xã hội, năm 1980, Trạm Tâm thần Nghĩa Bình được thành lập ở số 18 Nguyễn Lạc, TX Quy Nhơn.
Siêu âm não cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Từ ngày 28.7.1986, Bệnh viện Tâm thần Nghĩa Bình (nay là Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định) bắt đầu đi vào hoạt động dựa trên cơ sở của Trạm Tâm thần Nghĩa Bình.
“Khó có thể hình dung những khó khăn của những ngày đầu. Khu vực Bệnh viện đứng chân là một nghĩa địa lớn của phường Nhơn Phú đầy hoang sơ, lạnh lẽo, dân cư xung quanh thưa thớt. Thế mà, sau 30 năm đã hình thành một bệnh viện khang trang, chuyên tiếp nhận và điều trị các loại bệnh tâm thần” - bác sĩ Hiền chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại từ nguồn vốn xã hội hóa và từ Dự án Hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ như máy đo điện não vi tính, máy đo lưu huyết não, máy siêu âm xuyên sọ, máy huyết học, máy sinh hóa máu, máy sinh hóa nước tiểu…
Từ 40 biên chế với 50 giường bệnh ban đầu, đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã có 114 biên chế, với 130 giường bệnh nội trú. Công tác điều trị nội trú luôn được quan tâm từ quản lý, điều trị đến chăm sóc toàn diện. Nhân viên y tế không sợ nguy hiểm, không ngại khổ, thực hiện tốt quy trình chăm sóc người bệnh như: tắm giặt, cắt tóc, cắt móng tay chân, chải đầu… Họ sẵn sàng chăm bón từng thìa canh, bát cháo cho những người chống đối, không chịu ăn uống.
Ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, không ít bệnh nhân luôn tìm cách trốn viện, thậm chí, có người có ý tưởng tự sát. “Bệnh viện đã thường xuyên bố trí canh giữ và thành lập Đội Hỗ trợ bệnh nhân kích động; từ đó, hạn chế được nhiều bất trắc có thể xảy ra cho bệnh nhân. Nhiều năm không có bệnh nhân tự sát là một thành công lớn trong công tác quản lý bệnh nhân tại bệnh viện” - bác sĩ Hiền khẳng định.
Các phần thưởng cao quý Bệnh viện Tâm thần tỉnh được nhận trong 30 năm qua: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1996; danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện các năm 2004, 2005 của Bộ Y tế; danh hiệu Cơ sở văn hóa xuất sắc năm 2006 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...
Còn theo Phó Giám đốc Nguyễn Thị Định, thêm điểm nổi bật trong hoạt động của Bệnh viện là đã triển khai, duy trì Dự án “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về y tế cho toàn bộ 159/159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đồng thời, 100% số xã có quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu tại trạm y tế. Tính đến hết quý I năm 2016, có 5.436 người bệnh được quản lý, khám, chữa bệnh; trong đó tâm thần phân liệt có 3.251 người và bệnh động kinh có 2.185 người.
Những thành quả đã đạt được là nền tảng vững chắc để Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp tục vươn lên, với mục tiêu xây dựng Bệnh viện theo mô hình bệnh viện chuyên khoa hạng II thuộc tỉnh, có 130 biên chế với 150 giường nội trú. Trên cơ sở những khoa, phòng đã có, Bệnh viện sẽ thành lập thêm khoa Tâm thần trẻ em và tự kỷ, khoa Phục hồi chức năng, tâm lý nghề nghiệp và đơn vị Nghiện chất.
Với hoạt động quản lý, điều trị bệnh tại cộng đồng, Bệnh viện sẽ tiếp tục duy trì tốt thành quả của Dự án “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em”; đồng thời, tìm kinh phí để mở rộng khoảng 1/5 số xã, phường thực hiện dự án về bệnh động kinh và bệnh trầm cảm.
NGUYỄN VĂN TRANG