Quan trọng là thực hiện
Từ ngày 1.8, Nghị định 46/2006/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành. Nghị định 46 được Chính phủ ban hành nhằm thay thế các Nghị định 171 và 107, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
So với các Nghị định hiện hành, Nghị định 46 quy định xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ tăng cao hơn mức phạt cũ. Ví dụ về lỗi vi phạm hiệu lệnh, người tham gia giao thông nếu vượt đèn đỏ, mức phạt đến 2 triệu đồng. Theo nghị định 171 hiện hành, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn đỏ cũng bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng.
Về nhóm vi phạm về nồng độ cồn, người điều khiển ôtô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng) và bị tước GPLX tối đa 6 tháng. Đối với người đi môtô vi phạm lỗi này, mức phạt cao nhất tăng từ 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng, tước GPLX đến 5 tháng (mức cũ 2 tháng).
So với các quy định cũ, Nghị định 46 cũng đề ra nhiều chế tài xử phạt mới đối với các lỗi vi phạm.Theo đó, cá nhân ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng.Với hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ, lực lượng chức năng sẽ xử phạt đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức vi phạm…
Việc ban hành Nghị định 46/CP là hoàn toàn phù hợp, bởi vì trong thực tế, quy định cũ về xử phạt hành chính đối với vi phạm an toàn giao thông được cho là nhẹ, chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Đó được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những qui định đó sẽ được thực thi như thế nào? Thực tế cho thấy việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan chức năng trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông vẫn chưa nghiêm, chưa đồng bộ. Ngay như trong việc kiểm tra xử phạt các hành vi vi phạm, dường như cảnh sát giao thông chỉ tập trung vào những người đi xe mô tô, ô tô, còn các loại phương tiện thô sơ như xích lô, ba gác, xe đạp và nhất là người đi bộ thì hầu như chưa ai đụng đến. Đối với người đi xe mô tô cũng chỉ mới tập trung xử lý việc người điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy tờ xe. Còn các hành vi vi phạm khác có khả năng gây nguy hiểm hơn thì lại cho qua như phóng nhanh, vượt ẩu, mang vát cồng kềnh…
Nếu không khắc phục được những nhược điểm này, nếu không thực hiện đầy đủ các qui định về xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, thì dù qui định xử phạt mới có nặng đến mấy cũng khó tạo sự chuyển biến thật sự. Tăng hình phạt mà không tăng khả năng thực thi thì mục đích của Nghị định mới cũng khó mà đạt được
Ngọc Minh