Hoài Ân, vài nét riêng về văn hóa
Hoài Ân là vùng trung du. Trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ quê hương, ba dân tộc Kinh, Bana, Hre đã tạo nên những truyền thống văn hóa giàu bản sắc, vừa có tính đặc trưng của từng dân tộc, vừa cộng hưởng lẫn nhau để tạo ra vẻ đẹp văn hóa mới.
Lễ hội VHTT các dân tộc 3 xã vùng cao Hoài Ân được tổ chức 2 năm một lần.
Ở Hoài Ân hiện còn tồn tại hệ thống lễ hội, những hoạt động văn hóa văn nghệ đa dạng, một kho tàng văn hóa dân gian truyền khẩu phong phú, vừa mang đặc trưng của cư dân canh tác lúa nước, vừa có nhiều sắc màu của cư dân canh tác nương rẫy.
Cùng với Tết Nguyên đán cổ truyền của người Kinh, người Bana, người Hre cũng có nhiều lễ, hội lớn mang tính cộng đồng cao như lễ cúng khai rẫy làm nương, lễ cúng đưa hồn lúa vào kho, lễ đâm trâu cầu phúc, lễ mừng nhà rông.
Những lễ hội nông nghiệp chất chứa cả một kho tàng văn hóa tinh thần giàu bản sắc. Trong đó, có lễ hội ăn cốm mừng lúa mới của người Bana (samok panao) là một lễ hội đặc sắc. Lễ hội này được tổ chức vào dịp kết thúc mùa thu hoạch, thường là tháng 9, tháng 10 âm lịch. Trước đây lễ hội diễn ra từ 3 đến 4 ngày, hiện nay chỉ tổ chức 1 ngày 1 đêm. Lễ diễn ra ở từng nhà và đến hội của làng tại nhà rông.
Dân tộc Bana và dân tộc Hre cũng đã tạo nên vốn văn hóa, văn nghệ dân gian khá phong phú, bao gồm những huyền thoại và sử thi, các truyện cổ tích, chuyện cười. Đáng kể hơn cả vẫn là các nhạc cụ bằng gỗ, bằng tre, bằng đá, bằng đồng, như cồng chiêng, trống da trâu, đàn pơ-lơn-khơn, đàn tơ-rưng, đàn hơ-nhí, đàn pơ-ren cùng các làn điệu dân ca mượt mà, những vũ khúc mạnh mẽ.
Âm thanh cồng chiêng đã theo họ suốt cả đời người. Từ lễ cắt rốn cho trẻ sơ sinh, lễ trưởng thành, lễ cưới đến lễ tiễn linh hồn người chết về thế giới vĩnh hằng. Tiếng cồng, tiếng chiêng cũng không thể thiếu trong vòng đời cây lúa từ lúc làm lễ cúng khai rẫy, chọn đất, trồng trỉa, thu hoạch đến khi đưa vào nhà kho cất giữ. Tiếng chiêng gắn chặt với cộng đồng, từ khi làm lễ động thổ cất nhà đến khi hoàn thành, tổ chức về nhà mới của mọi gia đình hoặc nhà của cộng đồng làng. Cả người Bana và người Hre cùng tin rằng âm thanh cồng chiêng chính là tiếng nói tâm linh, niềm tin, là cách mà con người kết nối với các thần. Nghệ thuật cồng chiêng vì thế còn là niềm kiêu hãnh của người Bana và Hre.
Người Kinh ở Hoài Ân cũng như đồng bào cả nước, cũng có tục thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra còn có việc thờ nhân thần và linh thần khá đậm nét. Bởi vậy mà ở Hoài Ân từng tồn tại hàng chục ngôi đình lớn, có thể kể đến Đình 6 xã (Ân Phong), đình Xuân Sơn (Ân Hữu), đình An Thường (Ân Thạnh), đình Núi Vàng Kim Sơn (Ân Nghĩa)... cùng hàng trăm ngôi miếu trên những làng quê xóm ấp. So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, ở Hoài Ân có nét riêng là lễ cúng Chòm, đặc biệt lễ tục này rất phổ biến ở xã Ân Phong. Vào ngày mồng 7 tháng giêng, các làng, thôn, xóm tổ chức một nghi thức lễ cúng mang tính cộng đồng của từng xóm, từng làng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ tục này còn nhằm mục đích cố kết cộng đồng dân cư, cùng nhau giữ gìn làng xóm bình yên.
VÕ CHÍ HÀ