Ðể ngăn chặn nạn phá rừng
Trong 6 tháng đầu năm nay, con số 147 vụ phá rừng được ngành chức năng phát hiện, xử lý đã nói lên phần nào hiện trạng “chảy máu” tài nguyên rừng ở tỉnh ta. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì rừng chẳng mấy chốc sẽ không còn gì. Vậy làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng?
Một vụ khai thác gỗ trái phép được phát hiện tại huyện Vĩnh Thạnh (ảnh chụp tháng 4.2016).
Thiết nghĩ, ngay từ lúc này, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân ý thức bảo vệ rừng; mặt khác, cần phải có biện pháp thật mạnh, thật nghiêm đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Bởi, trước đó ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện một số chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến lâm, giao đất giao rừng và thực hiện các chính sách hưởng lợi từ rừng cho người dân miền núi. Tuy nhiên, thực tế vẫn cần có các chính sách hỗ trợ khác như: Tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông lâm kết hợp, chế biến và bảo quản nông sản.
Thứ nữa, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. Nhanh chóng xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp theo phương thức tiếp cận, dựa vào cộng đồng; trong đó, mọi người dân đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nông lâm kết hợp, từ đó sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng.
Một việc quan trọng khác, các cấp chính quyền, các chủ rừng phải xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch hoạt động và phương án bảo vệ rừng từng năm, từng giai đoạn trên phạm vi địa phương mình quản lý. Các chủ rừng cần chú trọng tăng cường lực lượng và trang thiết bị đủ mạnh để bảo vệ rừng, đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả đối với diện tích rừng đã được giao. Lực lượng kiểm lâm cũng cần phải được củng cố và đổi mới hoạt động nhằm làm tốt công tác tham mưu giúp chính quyền xây dựng và triển khai các phương án, biện pháp, kế hoạch bảo vệ rừng. Duy trì và tổ chức hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng có hiệu quả.
Đặc biệt, các biện pháp bảo vệ rừng phải được xây dựng trên cơ sở gắn với các hoạt động phát triển rừng và hướng tới cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Tiếp tục thực hiện các chương trình xã hội hóa nghề rừng, đẩy mạnh giao khoán rừng, giao quản lý, bảo vệ rừng. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng giảm thiểu và ngăn chặn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng như hiện nay.
H.N